Hội thảo xây dựng Đề án phát triển cây công nghiệp đến năm 2030

Sáng 15/6, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Cục trồng trọt – Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn phối hợp với Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp tổ chức Hội thảo “Xây dựng đề án phát triển cây công nghiệp đến năm 2030”.

Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ NN&PTNT, Cục Trồng trọt, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam; Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột; Sở NN&PTNT các tỉnh Bình Thuận, Quảng Nam, Điện Biên, Sơn La, Kon Tum, Đắk Lắk, Tây Ninh.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Diễn ra trong 2 ngày, Hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp trong sản xuất chế biến, xuất khẩu nông sản để hoàn thiện báo cáo “ Hiện trạng và định hướng phát triển các cây: cao su, cà phê, hồ tiêu và cây điều đến năm 2030” trong tổng thể “Báo cáo đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030”.

Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp phát biểu khai mạc

Các đại biểu cho rằng xây dựng “Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030” là cần thiết khi Việt Nam có thể mạnh về sản xuất cây công nghiệp do đất đai, khí hậu và hệ sinh thái cây trồng đa dạng. Các cây công nghiệp lâu năm như: cà phê, cao su, chè, điều, tiêu và dừa, rất thích hợp với nhiều vùng, nhiều địa phương. Phát triển cây công nghiệp lâu năm là một thế mạnh của nông nghiệp nước ta để phục vụ yêu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Tuy nhiên, tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong phát triển cây công nghiệp ở nước ta hiện nay. Trong đó, tình trạng manh mún, tự phát, không theo quy hoạch, đầu tư thấp, chất lượng và độ sạch không cao vẫn là phổ biến. Quy mô vườn cây nhỏ nên rất khó khăn áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, bảo vệ thực vật và thu gom sản phẩm theo công nghệ hiện đại. Khuynh hướng khai thác bóc lột vườn cây bằng cách sử dụng phân hóa học quá nhiều, lạm dụng chất kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu quá liều để có năng suất, sản lượng trước mắt nhưng sau đó vườn cây lại chóng tàn lụi làm cho hiệu quả kinh tế thấp kém.Tình hình mua, bán, cầm cố, sang nhượng đất vườn cây một cách tự phát, đốt phá rừng trồng cà phê, cao su trở nên phổ biến đã và đang đe dọa sự phát triển bền vững của nhiều vườn cây công nghiệp lâu năm, ảnh hưởng lớn đến môi trường, nguồn nước tưới, sinh thái. Sản xuất chưa gắn với chế biến và tiêu thụ. Hầu hết sản phẩm cây công nghiệp lâu năm ở nước ta chưa có các nhà máy chế biến trình độ cao, máy móc hiện đại nên sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô hoặc sơ chế, chất lượng và giá cả kém sức cạnh tranh.

Đại diện Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT chia sẻ về định hướng phát triển cây cà phê

Do đó để phát triển cây công nghiệp theo hướng bền vững, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Hoàn thiện quy hoạch sản xuất các loại cây công theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ. Quy hoạch sản xuất cây công nghiệp cần gắn với quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, rừng tự nhiên và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước và từng vùng, từng địa phương, theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao và phát triển bền vững.

Đổi mới phương pháp đầu tư, chuyển từ đầu tư chiều rộng sang đầu tư chiều sâu, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất, chế biến sản phẩm cây công nghiệp để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí trung gian, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Phát triển và nâng cấp các công trình thủy lợi, tiến tới thực hiện tưới chủ động, khoa học cho toàn bộ diện tích cà phê trong mùa khô ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đối với các cây chè, cao su, tiêu, điều, dừa chuyển mạnh đầu tư trồng mới sang đầu tư thâm canh bằng áp dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ để cải tạo giống, bảo vệ thực vật, chăm sóc, công nghệ sau thu hoạch để bảo đảm tăng năng suất, tăng chất lượng và giá trị sản phẩm.

Sở NN&PTNT tham gia góp ý vào Đề án

Hiện đại hóa công nghệ sau thu hoạch như phơi, sấy, bảo quản, vận chuyển, chế biến sản phẩm cây công nghiệp theo hướng đồng bộ. Tổ chức thu gom nông sản hàng hóa trên cơ sở ký kết hợp đồng đầu tư ứng trước và tiêu thụ sản phẩm giữa người sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến, xuất khẩu nông sản. Nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là điện, đường giao thông ở các vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn, chất lượng cao. Thu hút mạnh các dự án FDI vào sản xuất và chế biến các sản phẩm cây công nghiệp bằng các chính sách và cơ chế hấp dẫn.

Advertisement

Ổn định đầu ra cho sản phẩm bằng các cơ chế, chính sách thích hợp. Ổn định thị trường đã có và mở rộng các thị trường mới là giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất có tác dụng trực tiếp. Giải pháp cho vấn đề thị trường hiện nay là: cần thực hiện đồng bộ từ khâu sản xuất sản phẩm đủ số lượng, cơ cấu, độ sạch theo yêu cầu thị trường, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh đến áp dụng khoa học – công nghệ vào các khâu sơ chế, chế biến để tăng chất lượng sản phẩm, bảo đảm chữ tín với khách hàng.

Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước, trong đó trọng tâm là bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, luật pháp nhằm tạo bước đột phá trong việc hỗ trợ người sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cây công nghiêp ở nước ta.

Theo Thống kê của Cục Trồng trọt, diện tích cà phê đến thời điểm hiện tại (2022) đã đạt 709 ngàn ha, tăng gấp 1,42 lần so với quy hoạch được duyệt năm 2012. Điều này đã phá vỡ quy hoạch và ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng cũng như giá trị của cà phê Việt Nam.

Do vậy, quan điểm phát triển cà phê Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2030 là không mở rộng diện tích trồng mới, chỉ phát triển trên các vùng có điều kiện tự nhiên và kinh tế -xã hội thật phù hợp, trên cơ sở cải tạo các vườn cà phê hiện có và trồng tái canh đối với diện tích già cỗi và kém hiệu quả.

Hiện nay, khoảng 90 % sản lượng cà phê Việt Nam được dành cho xuất khẩu đi khoảng 80 nước và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu tại các nc Châu Âu, Châu Á và Mỹ. Chủng loại chủ yếu là cà phê Robusta (76,11%), Arbica (5,81%), cà phê chế biến (17,32%) giá trị cà phê Việt Nam xuất khẩu.

Các giải pháp chính định hướng trong đề án gồm: phát triển vùng trồng cây cà phê gắn với phát triển du lịch;liên kết sản xuất chế biến và phát triển chuỗi giá trị, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu;chuyển giao khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đầu tư cho giải pháp cơ chế chính sách.

Advertisement

About admin

Check Also

TP. Buôn Ma Thuột: Gần 21% vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên

Năm 2024, tình hình trật tự, an toàn giao thông tại TP. Buôn Ma Thuột …