Sáng 25/5, UBND tỉnh tổ chức Họp Ban Chỉ đạo Chương trình cảnh quan bền vững (CQBV) tỉnh Đắk Lắk năm 2022. Đồng chí Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình CQBV tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự còn có đồng chí Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Các đại biểu tham dự cuộc họp
Chương trình CQBV tỉnh Đắk Lắk được triển khai từ năm 2014 nhằm thúc đẩy công – tư trong phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo sinh kế cho cộng đồng với nguồn vốn tài trợ từ Chính phủ Thụy Sĩ, Hà Lan và Đan Mạch.
Đồng chí Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia ý kiến
Năm 2016, Ban Chỉ đạo Chương trình CQBV tỉnh Đắk Lắk được thành lập, đánh dấu sự đột phá trong phương pháp tiếp cận từ hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất cà phê đạt chứng chỉ bền vững sang liên kết sản xuất theo chuỗi, phối hợp can thiệp trên cấp độ cảnh quan. Trong giai đoạn thí điểm từ năm 2016 – 2020, chương trình phối hợp với các nhà rang xay cà phê xây dựng được hơn 200 mô hình trình diễn quy mô nông hộ tại 28 xã thuộc 8 huyện của tỉnh Đắk Lắk với hơn 6.500 nông dân được hưởng lợi trực tiếp. Theo kết quả đánh giá cuối giai đoạn thí điểm tại 02 huyện Krông Năng và Cư M’gar: thu nhập từ ca phê của người nông dân trong vùng dự án đã tăng hơn 20%, từ trái cây trồng xen đã tăng hơn 200% so với những người nông dân bên ngoài vùng dự án; tỷ lệ trồng xen trong vùng chương trình đã tăng từ 15% (2015) lên tới 96% (2020); lượng phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp đã giảm 10%…
Các đại biểu tham gia đối thoại trực tiếp
Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng chương trình đã hoàn thành khảo sát thực trạng sản xuất, canh tác cà phê và cây trồng xen trên địa bàn 02 huyện Krông Năng và Cư M’gar; tổng hợp, phân tích, đánh giá các thuận lợi, khó khăn. Từ đó, hỗ trợ xây dựng 8 hồ sơ đề xuất/tiểu dự án với quy mô bao phủ toàn bộ 2 huyện gồm: 60.858 ha cây cà phê, 8.465 ha hồ tiêu và 8.167 ha cây ăn quả các loại. Hiện tại, các hồ sơ/tiểu dự án này đã được phê duyệt tài trợ, các hợp đồng thực hiện sớm được ký kết và bước vào giai đoạn triển khai.
Ra mắt Ban Chỉ đạo Chương trình cảnh quan bền vững tỉnh Đắk Lắk
Giai đoạn 2021 – 2025, chương trình được thực hiện tại huyện Krông Năng và Cư M’gar với tổng kinh phí hơn 15,5 triệu Euro, mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất bền vững cho 85% nông dân; 70% nông dân áp dụng các thực hành nông nghiệp tốt (GAP); 100% diện tích rừng tự nhiên (12.422 ha) vùng chương trình được bảo vệ; trồng 931 ha rừng trồng và trồng 14.500 cây phân tán; tăng 15 – 20% thu nhập cho 42% hộ dân, đóng góp cho mục tiêu giảm nghèo vùng chương trình từ 8,7% xuống còn 5,5% vào năm 2025…
Ký kết Bản ghi nhớ chương trình
Tại cuộc họp, các đại biểu được đại diện các cơ quan Trung ương, địa phương, các công ty cà phê, hồ tiêu, trái cây trong và ngoài nước, tổ chức phát triển định hướng phát triển vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, thách thức và giải pháp. Đồng thời ký kết biên bản ghi nhớ Chương trình sản xuất nông nghiệp kết hợp bản tồn an sinh xã hội huyện Krông Năng và huyện Cư M’gar giai đoạn 2021 – 2025.
Đồng chí Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình cảnh quan bền vững tỉnh phát biểu chỉ đạo
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình CQBV tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí cán bộ làm đầu mối hỗ trợ thúc đẩy tiến độ xây dựng Đề án “Vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn tỉnh Đắk Lắk” giai đoạn 2021 – 2025 tầm nhìn đến năm 2030; thành lập Hội đồng thẩm định Đề cương và Thẩm định Đề án trình UBND tỉnh phê duyệt. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các huyện tăng cường công tác tuyên truyền/truyền thông về sản xuất bền vững, sản xuất có trách nhiệm tới cán bộ quản lý các cấp và người dân trên địa bàn tỉnh.