Hợp tác xã Du lịch Buôn Jun

Tên địa điểm du lịch:


HTX du lịch … voi

Hợp tác xã du lịch
Du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng
Bài viết liên quan:

Hợp tác xã du lịch … voi

Đó là Hợp tác xã (HTX) du lịch buôn Jun, thị trấn Liêng Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Sở dĩ gọi là HTX du lịch… voi vì các xã viên của HTX phần lớn là người dân tộc Mnông đã góp vốn bằng 18 con voi nhà để làm du lịch. Đây là HTX du lịch có đàn voi nhà làm du lịch đông nhất, độc đáo nhất và nổi tiếng nhất ở Đắk Lắk cũng như cả nước.

Góp voi làm du lịch

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, Chủ nhiệm HTX du lịch buôn Jun Bùi Văn Đức chậm rãi kể: Nằm ngay bên hồ Lắk huyền thoại và gắn bó với nghề thuần dưỡng, nuôi voi nổi tiếng bao đời nay, nhưng đồng bào Mnông ở đây vẫn nghèo khó. Là chủ nhân của vùng đất này, họ chỉ gắn bó với nương rẫy dù ở đây có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nhất là làm du lịch. Vì vậy, ngay từ năm 1977, khi từ Huế vào đây sinh sống, nhận thấy vẻ đẹp của hồ Lắk và những cánh rừng nguyên sinh nơi đây cho nên tôi đã nảy sinh ý định làm du lịch, nhưng lúc này giao thông đi lại còn khó khăn, cách trở, lượng khách đến với hồ Lắk còn ít. Tuy nhiên, ý định phát triển nghề du lịch ở đây vẫn luôn thôi thúc trong tôi.

Năm 1990, khi tuyến quốc lộ 27 nối từ TP Buôn Ma Thuột với huyện Lắk và tỉnh Lâm Đồng mở ra, khách du lịch đến Tây Nguyên ngày càng đông. Ông Đức vận động các gia đình có voi ở buôn Jun và các buôn lân cận mở các dịch vụ như cưỡi voi ngắm cảnh, chèo thuyền độc mộc trên hồ Lắk,… phục vụ du khách. Do các dịch vụ độc đáo, mới lạ cho nên được đông đảo du khách trong và ngoài nước yêu thích lựa chọn khi đến du lịch ở huyện Lắk. Tuy nhiên, ông Đức vẫn chưa thấy hài lòng bởi các loại hình du lịch còn nghèo nàn, nhỏ lẻ và thiếu sự đầu tư về quy mô, tổ chức. “Loại hình du lịch cưỡi voi, một sản phẩm độc đáo nhưng khai thác rất bất hợp lý. Các chủ voi đua nhau tận dụng thời gian, sức lực của voi để kiếm tiền. Vì thế, sức khỏe đàn voi nhà nhanh chóng bị suy kiệt, dẫn đến bệnh tật và chết dần, đồng thời, tình làng nghĩa xóm cũng rạn nứt do tranh giành khách với nhau”, ông Đức chia sẻ.

Vì vậy, năm 2005, ông Đức đã đứng ra thành lập HTX du lịch buôn Jun, mở ra một hướng đi mới cho du lịch huyện Lắk. Từ đây, các hộ có voi, có thuyền độc mộc,… được vận động tham gia vào HTX và góp vốn bằng voi, bằng thuyền độc mộc để khai thác và phát triển du lịch. Ban chủ nhiệm HTX đứng ra tổ chức, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch của HTX và lên kế hoạch, lịch trình sử dụng voi, thuyền độc mộc trong ngày một cách hợp lý cho nên gia đình nào cũng có thu nhập và đàn voi nhà đỡ kiệt sức. Lúc mới thành lập, HTX chỉ có bảy xã viên thì đến nay đã tăng lên 38 xã viên, trong đó 95% là người dân tộc thiểu số, quản lý 16 con voi, 20 thuyền độc mộc, tám nhà dài và một đội cồng chiêng,… Ngoài ra, HTX còn ký hợp đồng theo vụ với 50 gia đình ở các buôn Jun, buôn Lê và buôn M’Liêng của thị trấn Liêng Sơn. Các dịch vụ của HTX rất đa dạng, từ cưỡi trên lưng voi để khám phá thắng cảnh nổi tiếng của hồ Lắk, các ngọn thác nguyên sơ của núi rừng Chư Yang Sin, cưỡi voi thăm buôn làng cổ Mnông bên hồ Lắk, biệt điện Bảo Đại, chèo thuyền độc mộc tham quan hồ Lắk, ăn nghỉ theo hình thức homestay, nhà dài, thưởng thức rượu cần, diễn tấu cồng chiêng,… Nhờ hoạt động hiệu quả cho nên phần lớn các xã viên đều có đời sống tương đối ổn định, nhất là các xã viên góp voi có thu nhập bình quân mỗi tháng hơn tám triệu đồng, các xã viên góp thuyền độc mộc thu nhập khoảng bốn triệu đồng/tháng… Anh Y Mê, ở buôn Lê, một trong những xã viên góp voi làm du lịch bộc bạch: “Voi tuy vào HTX nhưng vẫn là tài sản riêng của hộ xã viên, mỗi lượt chở khách du lịch với thời gian từ 1 đến 1,5 giờ đồng hồ, chủ voi thu được từ 200 đến 250 nghìn đồng, bình quân mỗi con voi mang lại thu nhập cho xã viên (chủ voi) 6 – 8 triệu đồng/tháng trở lên. HTX cũng quy định mỗi ngày voi phục vụ du khách không quá tám giờ, thời gian còn lại thả về rừng”.

Du lịch gắn với bảo tồn

Ngồi bên hiên ngôi nhà dài cổ kính đón nhận những cơn gió mát từ hồ Lắc thổi vào, Chủ nhiệm HTX du lịch buôn Jun Bùi Văn Đức bày tỏ: Lâu nay, mỗi tháng HTX đón từ 1.000 đến 1.500 lượt khách du lịch, trong đó hơn một nửa là khách du lịch nước ngoài. Đoàn khách nào cũng đặt tua cưỡi voi thưởng lãm danh thắng của huyện Lắk. Vì vậy, nguyện vọng của Ban chủ nhiệm là muốn tất cả người dân ở ba buôn cổ gồm buôn Jun, buôn Lê và buôn M’Liêng ven hồ Lắk đều tham gia HTX để có việc làm, thu nhập và phát triển du lịch. HTX đang xin xây dựng một số cơ sở lưu trú kết hợp dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách, nhưng do địa điểm, giá thuê đất… chưa thống nhất cho nên chưa thực hiện được. Lâu nay, mọi hoạt động của HTX diễn ra tại nhà riêng của chủ nhiệm cho nên cũng gặp khó khăn trong quản lý, điều hành. Bên cạnh đó, những năm gần đây, diện tích rừng tự nhiên quanh hồ Lắk bị tàn phá nặng nề, không còn nơi để chăn thả voi, voi không còn môi trường tự nhiên để sinh sản. HTX đã nhiều lần kiến nghị với huyện, tỉnh bố trí cho Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk diện tích rừng tự nhiên làm nơi chăn thả voi nhưng chưa được giải quyết. Nếu tình trạng này kéo dài, đàn voi nhà ở huyện Lắk sẽ già và chết dần, chết mòn. Nguồn nước hồ Lắk bị cạn kiệt, không thể khai thác chèo thuyền độc mộc cho du khách. Mặt khác, nhiều nhà dài cổ bị xuống cấp, hư hỏng nặng, không có kinh phí để bảo tồn, sửa chữa, một số gia đình có điều kiện thì phá bỏ nhà cổ, xây dựng nhà mới bằng xi-măng, phá vỡ không gian của buôn cổ…

Advertisement

Vì vậy, HTX du lịch buôn Jun mong muốn các cấp chính quyền và các ngành chức năng quan tâm, có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để HTX gắn phát triển du lịch với giữ gìn, bảo tồn đàn voi và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong đó, tiếp tục phát huy thế mạnh của đàn voi, thông qua các hoạt động phục vụ du lịch, để các chủ voi có thêm điều kiện để chăm sóc đàn voi tốt hơn. Bên cạnh đó, HTX còn đầu tư phát triển thêm các loại hình du lịch homestay, phát triển các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, khai thác các tua tham quan thưởng ngoạn rừng sinh thái, các thác nước đẹp, các vốn văn hóa truyền thống của đồng bào Mnông như nhà sàn, nhà dài truyền thống, đội cồng chiêng, sinh hoạt văn hóa, phục dựng những lễ nghi truyền thống như lễ cúng bến nước, lễ mừng mùa, lễ cúng sức khỏe cho voi,… khi khách có yêu cầu nhằm tạo việc làm cho xã viên và người dân địa phương. Với cách làm này, HTX du lịch buôn Jun không những tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho các xã viên mà còn góp phần bảo tồn đàn voi nhà, văn hóa truyền thống, xây dựng, quảng bá thương hiệu và sản phẩm du lịch sinh thái – văn hóa cho huyện Lắc, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với huyện Lắc ngày càng nhiều hơn.

Bài và ảnh: Nguyễn Công Lý
Advertisement

About Trần Huỳnh Thanh Nhật

Check Also

Di tích danh lam thắng cảnh thác buôn H’Ngô

Tên địa điểm du lịch: Di tích danh lam thắng cảnh thác buôn H’Ngô Tên …