Huyện M’Drắk: Linh hoạt phương án bảo đảm kiến thức cho học sinh cuối cấp

Thời gian qua, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các trường học trên địa bàn huyện M’Drắk đã chủ động triển khai kế hoạch dạy học linh hoạt để hoàn thành chương trình năm học 2021 – 2022, đặc biệt, trang bị kiến thức cho học sinh cuối cấp chuẩn bị cho các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh sắp tới.

Ngành giáo dục huyện đã chỉ đạo các đơn vị trường học căn cứ vào cấp độ dịch theo từng địa phương để có hình thức tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp. Các hoạt động dạy học bảo đảm thời lượng, nội dung cốt lõi, căn bản; khung thời gian năm học; đồng thời bảo đảm sức khỏe cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Tất Thành trong giờ ôn tập.

Năm học 2021 – 2022, Trường Phổ thông dân tộc bán trú – THCS Tô Hiệu (xã Cư San) có 15 lớp, với 570 học sinh (học sinh dân tộc thiểu số chiếm 98%, chủ yếu là người Mông, Dao); trong đó có 3 lớp 12 với gần 100 học sinh. Toàn trường có 212 em theo học bán trú. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, để đảm bảo kiến thức cho học sinh, đặc biệt là khối học sinh cuối cấp, Ban Giám hiệu nhà trường đã triển khai nhiều phương án linh hoạt với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, đối với học sinh học bán trú, ngoài giờ học trên lớp nhà trường tổ chức dạy phụ đạo cho các em trong khoảng thời gian từ 7-9 giờ tối từ thứ hai đến chủ nhật. Với học sinh ngoài bán trú thì học thêm từ 1-2 buổi/tuần để kịp chương trình học. Học sinh đang thực hiện cách ly y tế được học theo hình thức giao bài, tránh tình trạng để học sinh không theo kịp chương trình học. Bên cạnh đó, từ khi kết thúc học kỳ I, trường bắt đầu tổ chức các lớp ôn tập, đánh giá chất lượng học tập của học sinh để phân luồng phụ đạo cho học sinh có học lực yếu và tập trung ôn trọng tâm các môn thi tốt nghiệp cho học sinh cuối cấp.

Advertisement

Trường THPT Nguyễn Tất Thành (thị trấn M’Drắk) năm học này có 10 lớp 12 với 371 học sinh. Thầy Phạm Đức Hồng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, linh hoạt trong dạy và học để đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức cho học sinh đặc biệt là khối 12, trong học kỳ I nhà trường đã tổ chức dạy trực tiếp kết hợp với gián tiếp; trong đó, trực tiếp 12 tuần, gián tiếp 6 tuần. Đồng thời phân luồng học sinh theo học lực và theo các tổ hợp môn mà học sinh đăng ký ngay từ đầu năm học để có phương án bồi dưỡng phù hợp nhất cho các em. Theo đánh giá sơ bộ, kết thúc học kỳ I, chất lượng giáo dục của trường vẫn được đảm bảo; trong đó, số học sinh khá, giỏi chiếm 40%, trung bình 50%. Hiện nay chương trình học vẫn được đảm bảo theo đúng tiến độ Sở GD-ĐT quy định, trong đó học sinh đang hoàn tất chương trình lớp 12 để bắt đầu ôn kiến thức của các môn thi chính trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Với quan điểm của nhà trường “Dù học trực tiếp hay gián tiếp, các thầy, cô giáo đều cố gắng truyền tải kiến thức đến học sinh, giúp các em giữ vững nền nếp học tập. Trường phấn đấu giữ vững và vượt tỷ lệ học sinh tốt nghiệp 98,11%”.

Advertisement

About admin

Check Also

Cần xử lý nghiêm việc khai thác đất trái phép tại xã Chứ Kbô

Tình trạng khai thác đất trái phép ở xã Chứ Kbô (huyện Krông Búk) gây …