Ngày 2/8, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tổ chức Đoàn kiểm tra kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa; công tác chỉ đạo, quản lý, bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa huyện Krông Bông năm 2023.
Đoàn kiểm tra làm việc với Krông Bông
Đoàn kiểm tra đã làm việc với UBND huyện Krông Bông và đi kiểm tra thực địa di tích đã xếp hạng, di tích tiềm năng; các Sở, ngành hướng dẫn quy định của pháp luật về lâm nghiệp có liên quan đến đất di tích Hang đá Đắk Tuôr, Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk 1965 -1975 (đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ); Kiểm tra, hướng dẫn việc lập Danh mục kêu gọi đầu tư dự án đối với di tích Hang đá Đắk Tuôr, Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 -1975); các di tích tiềm năng tại địa phương theo quy định của pháp luật về đầu tư công; hướng dẫn việc đầu tư kinh phí thực hiện Dự án trùng tu, tôn tạo và phát huy di tích Hang đá Đắk Tuôr, Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965-1975); hướng dẫn về Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại di tích…
Hiện nay, huyện Krông Bông có 19 di tích lịch sử, danh lam danh lam thắng cảnh đã, đang và đề xuất cấp thẩm quyền công nhận gồm: 2 di tích được công nhận cấp Quốc gia (Quần thể Hang đá buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui, di tích lịch sử Khu căn cứ Kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975) gồm các xã: Yang Mao, xã Cư Đrăm, xã Cư Pui, xã Hòa Phong); 2 di tích được công nhận cấp tỉnh: Quần thể Hang đá Khuê Ngọc Điền và di tích Danh lam – Thắng cảnh Thác buôn H Ngô, xã Hòa Phong; 5 di tích tiềm năng được tỉnh phê duyệt đưa vào danh mục và 10 di tích danh lam thắng cảnh đã lập hồ sơ đề nghị tỉnh phê duyệt đưa vào danh mục di tích tiềm năng.
Đoàn kiểm tra tại một số di tích lịch sử.
Thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo cho các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khảo sát các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện 8 đợt; xác định địa điểm vị trí chấm tọa độ các cơ quan, ban, ngành đứng chân tại Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk và đã cắm 38 mốc mới hoàn chỉnh; hiện tại các di tích, danh lam thắng cảnh vẫn còn nguyên sơ tuy nhiên đường giao thông vào các di tích, danh lam thắng cảnh một số bị hư hỏng nặng do mưa lũ. Từ năm 2020 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với huyện Krông Bông tổ chức nhiều đợt khảo sát kiểm tra di tích và xác định địa điểm xây dựng bia di tích lịch sử tại Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965-1975); Tổ chức điều tra khảo sát thống kê các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như: văn hóa cồng chiêng, văn hóa phi vật thể Mo Mường, lời nói vần, nhạc cụ dân tộc… trên địa bàn huyện; đồng thời nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các di sản văn hoá, từ năm 2020 đến nay huyện đã tổ chức truyền dạy 6 lớp cồng chiêng cho các con em đồng bào dân tộc thiểu số Ê đê, M’Nông…
Tuy nhiên, theo đánh giá của huyện Krông Bông, công tác đầu tư, khai thác khu Di tích lịch sử – danh lam thắng cảnh chưa có hiệu quả cao, tài nguyên du lịch và cơ sở vật chất còn hạn chế, đường vào các khu Di tích lịch sử – danh lam thắng cảnh chưa đảm bảo. Kinh phí cho công tác hoạt động quản lý khu Di tích lịch sử – danh lam thắng cảnh, sưu tầm, khai quật các khảo cổ còn hạn chế.
Huyện Krông Bông kiến nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí để trùng tu tôn tạo di sản (di tích văn hóa) đã được công nhận, Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965 – 1975), xây dựng đường vào các khu Di tích lịch sử – danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Krông Bông, thu hút khách tham quan du lịch; phê duyệt công nhận hồ sơ khoa học các điểm di tích cơ quan, ban, ngành đứng chân còn lại tại Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk, khoanh vùng 2 địa điểm di tích lịch sử (Trại an điều dưỡng xã Yang Mao và Trạm xá B2 xã Hòa Lễ) tại Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965-1975); đồng thời quan tâm lập hồ sơ khoa học khai quật di tích khảo cổ phế tích Chăm tại xã Hòa Tân, huyện Krông Bông.