Kỳ 3: Đột phá từ tư duy đến hành động

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc nâng cao chỉ số SIPAS không đơn thuần là “Yếu điểm nào, bịt điểm đó” mà cần có hệ thống giải pháp căn cơ, tổng thể và thống nhất từ nhận thức của người dân, chính quyền nhằm tạo sức bật chuyển đổi về chất đối với dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh.

Hiện đại hóa, nhân rộng mô hình

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, năm 2021 là năm tỉnh Đắk Lắk có vị trí xếp hạng Chỉ số CCHC tốt nhất của giai đoạn 2017-2021. Riêng đối với Chỉ số SIPAS năm 2021 của tỉnh Đắk Lắk đạt 83,65%, xếp vị thứ 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 6,23%, cải thiện 03 bậc so với năm 2020 (năm 2020 đạt 77,42%, xếp thứ 62/63 tỉnh thành phố). Trong đó, có 03/08 lĩnh vực không cải thiện bậc so với năm 2020 là : Cải cách tài chính công; Hiện đại hóa hành chính; Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế – xã hội cần phải xem xét, nhận diện và hành động để cải thiện.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà và huyện Krông Năng thăm, kiểm tra công tác triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Phú Lộc.- Ảnh : T.H

Nhận định về những tồn tại trong thực tiễn, ông Hoàng Mạnh Hùng- Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quán triệt, tuyên truyền tốt về công tác CCHC đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp dẫn đến nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý, người dân và doanh nghiệp của tỉnh chưa có thông tin kịp thời về kết quả CCHC và đánh giá thấp kết quả CCHC của tỉnh qua điều tra xã hội học do Bộ Nội vụ thực hiện như: lĩnh vực Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật (không đạt 1,12/5 điểm); cải cách tổ chức bộ máy hành chính (không đạt 1,4/4,5 điểm); Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC (không đạt 0,4/2 điểm); cải cách tài chính công (không đạt 0,97/4 điểm); hiện đại hóa hành chính (không đạt 0,9/4 điểm).

Huyện Krông Năng triển khai mô hình “ Thứ 3- Ngày không hẹn” “Thứ sáu – Ngày không viết”

Bên cạnh đó, công khai thủ tục hành chính (TTHC) không thường xuyên, chưa đầy đủ, chưa kịp thời. Một số TTHC vẫn còn thiếu đến các quy định TTHC, mẫu đơn, tờ khai đã hết hiệu lực thi hành, gây khó khăn cho người dân, tổ chức khi tra cứu, thực hiện TTHC. Việc giải quyết hồ sơ TTHC lĩnh vực đất đai còn trễ hẹn cao. Đây là những “điểm nghẽn” đang được UBND tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt.

Theo TS. Nguyễn Duy Thụy, Viện Khoa học Xã hội Vùng Tây Nguyên, qua điều tra về mức độ hài lòng chung của người dân, tổ chức sử dụng dịch vụ hành chính công có sự phân hóa ở cả 3 cấp chính quyền. Chỉ số SIPAS cấp sở năm 2021 là 83,93 % cao hơn so mức trung bình 78,79% của cấp huyện. Điểm chỉ số hầu hết các yếu tố cấp huyện đều cao hơn so với cấp xã.

Không chỉ phân hóa theo cấp đơn vị hành chính, chỉ số SIPAS tại các huyện trong toàn tỉnh, hay của các xã trong cùng huyện có sự phân hóa rõ rệt. Vị trí và điểm số cụ thể các yếu tố thành phần của các địa phương đều có sự biến động so với kết quả năm trước. Một số địa phương, cơ quan có kết quả SIPAS những năm 2019, 2020 rất tốt nhưng năm 2021 có sự cầm chừng, thậm chí thụt lùi. Điều này chứng tỏ chất lượng phục vụ người dân, tổ chức của tỉnh Đắk Lắk thiếu bền vững và không đồng đều giữa các địa phương, các đơn vị.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, một số địa phương đã có những giải pháp sáng tạo nên xem xét nhân rộng như: Giải pháp yêu cầu các xã trên địa bàn đăng ký giải pháp mô hình sáng tạo trong cải cách thủ tục hành chính (huyện Krông Pắk), mô hình phối hợp cơ quan chuyên môn điều tra xã hội học đánh giá độc lập đối với các xã, phường trên địa bàn (thành phố Buôn Ma Thuột), mô hình phát tờ rơi tại Bộ phận một cửa tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến (thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Krông Búk, huyện Krông Pắk, huyện Krông Ana).

Đặc biệt, tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn gặp khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng thành thạo thiết bị công nghệ thông tin tra cứu và thực hiện dịch vụ hành chính công. Nếu không có sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện các giải pháp một cách quyết liệt và cụ thể, trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Đắk Lắk có nguy cơ tụt hậu về SIPAS, ảnh hưởng trực tiếp đến vị trí của tỉnh trong các đánh giá CCHC của Trung ương- TS. Nguyễn Duy Thụy cảnh báo.

Advertisement

Nâng cao vai trò của cấp ủy

Năm 2021, Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, Tăng cường lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh quyết tâm thực hiện mục tiêu, nhân dân trong tỉnh quyết tâm thực hiện mục tiêu nhiệm vụ CCHC trên địa bàn tỉnh, định hướng đến năm 2030.

CCHC tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế

Rõ ràng, cơ chế giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 18/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước đã tập trung chỉ rõ hạn chế và giải pháp thực hiện.

Tuy nhiên, những kết quả trên cho thấy, quá trình thực thi CCHC ở Đắk Lắk có sự chuyển biến chưa đồng đều từ nhận thức đến hành động ở các cấp. Thông điệp nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền vẫn chưa trở thành động lực, mục tiêu để mỗi đơn vị ,địa phương cùng trăn trở phấn đấu.

Để nâng cao chỉ số SIPAS, tỉnh Đắk Lắk cần mạnh dạn sửa đổi Bộ Chỉ số đánh giá CCHC đang áp dụng, đồng thời tham vấn ý kiến Bộ Nội vụ, chuyên gia để xây dựng giải pháp khắc phục những “điểm nghẽn” trong cải thiện chỉ số SIPAS. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần tiếp tục tuyên truyền cho người dân tích cực tìm hiểu TTHC trước khi giao dịch, hiểu phương thức nội dung khi tham gia đánh giá mức độ hài lòng, tích cực phản hồi góp ý với chính quyền cải thiện kịp thời để góp phần chung tay cải thiện chỉ số SIPAS của tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đến dự lễ khai mạc bầu cử tại nhà văn hóa cộng đồng buôn Akô Đhông, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột.

Chỉ số SIPAS là “tấm gương” phản chiếu chuẩn xác nhất về tính hiệu quả của công tác cải cách hành chính của địa phương. “Làm sao để dân tin mà đánh giá tốt cho chính quyền?”Đây là trăn trở củaChủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị tại các cuộc họp chuyên đề về CCHC. Nhưng để thực hiện mục tiêu này cần nỗ lực của từng cấp ủy, mỗi cán bộ , công chức thực thi công vụ và cả hệ thống chính trị.

Như vậy, trong nửa nhiệm kỳ còn lại, mỗi cấp ủy, chính quyền phải nhìn nhận thực tiễn CCHC, lắng nghe phản ánh của người dân để cải cách thực chất hơn, quyết tâm nâng cao sự hài lòng chung tay thực hiện mục tiêu “đột phá Cải cách hành chính” mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch nâng cao Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị yêu cầu khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao SIPAS; trong đó, trọng tâm là nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn (Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã). Phấn đấu PAR Index và SIPAS năm 2022 tăng 5-7 bậc so với năm 2021.

Advertisement

About admin

Check Also

Bắt đối tượng sử dụng súng giải quyết mâu thuẫn cá nhân

Công an TP. Buôn Ma Thuột bàn giao đối tượng Nguyễn Đoàn Tú Khải cho …