Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận về các dự án luật PCCC, CNCH, phòng chống mua bán người và dữ liệu. Đồng thuận với việc cần thiết lập cơ sở pháp lý để hỗ trợ công tác bảo vệ an ninh quốc gia và phát triển kinh tế – xã hội.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk thảo luận về dự án luật với Công an tỉnh
Để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo luật trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 16/10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh phối hợp Công an tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý các dự án luật do Bộ công an chủ trì soạn thảo. Tham dự có các đại biểu Quốc hội: Lê Thị Thanh Xuân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng đoàn, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc Công an tỉnh; Phúc Bình Niê Kđăm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cư Kuin; lãnh đạo các sở, ngành liên quan và công an các huyện, thị xã, thành phố.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp và cho ý kiến đối với 3 dự thảo luật gồm: Luật phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH); Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và Luật Dữ liệu. Đa số các đại biểu đều thống nhất, đồng tình các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo và cho rằng đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp lực lượng công an hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Đối với Dự thảo Luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi), các đại biểu cho rằng cần điều chỉnh thời gian xác minh nạn nhân vì Đắk Lắk là tỉnh có địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, việc điều tra thu thập chứng cứ gặp nhiều trở ngại. Liên quan đến chính sách hỗ trợ vay vốn, các đại biểu cho rằng cần bổ sung quy định chính sách tín dụng riêng của Ngân hàng chính sách xã hội đối với nạn nhân bị mua bán trở về, để họ có điều kiện phát triển kinh tế, hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó cần liên kết với doanh nghiệp địa phương kết nối cung cầu, tạo việc làm cho nạn nhân sau khi họ trở về nơi cư trú…
Cho ý kiến về Dự thảo Luật PCCC và CNCH, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần có quy định về giải pháp, lộ trình thực hiện việc lắp đặt thiết bị có chức năng báo cháy và kết nối với hệ thống truyền tin báo cháy đối với nhà ở không bảo đảm yêu cầu về PCCC, đặc biệt là tại các thành phố lớn để bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ngoài 4 lực lượng tham gia PCCC và CNCH do dự thảo Luật quy định, cần nghiên cứu bổ sung thêm lực lượng công an cấp xã vào vì đây là lực lượng tiếp nhận tin báo đầu tiên và cũng là lực lượng chỉ huy tại chỗ khi xảy ra cháy… Về Dự án Luật Dữ liệu, các đại biểu cho rằng việc xây dựng dự án luật sẽ tạo sự thống nhất, đồng bộ, hiệu quả phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số, cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, bảo đảm an toàn an ninh thông tin. Tuy nhiên, vẫn còn một số điều, khoản chưa phù hợp cần cân nhắc, chỉnh lý cho phù hợp. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Thị Thanh Xuân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng đoàn, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời tiếp thu, tổng hợp gửi cơ quan soạn thảo các dự án luật trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Nguồn thông tin được tham khảo từ: baodaklak
Nội dung được biên tập bởi: buonmathuot_.info