Ngành Tài chính triển khai nhiệm vụ năm 2023

Chiều 19/12, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh cùng đại diện lãnh đạo các sở ngành có liên quan trong tỉnh.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương (Ảnh:baochinhphu.vn)

Năm 2022 trong bối cảnh tình hình KT-XH gặp nhiều khó khăn, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ tài chính – NSNN, điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt; tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế phí, tiền thuê đất, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh. Trong năm, đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân với tổng số tiền 193,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, gia hạn 105,9 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm 87,5 nghìn tỷ đồng.

Kết quả thu NSNN ước đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% so với dự toán được giao. Chi NSNN quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, đảm bảo nguồn lực hỗ trợ phục hồi kinh tế, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép. Giá cả và thị trường được điều hành linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân; các thị trường tài chính tiếp tục được củng cố, tháo gỡ, xử ký kịp thời các khó khăn vướng mắc để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch; kỷ cương, kỷ luật tài chính được tăng cường.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xây dựng Chính phủ điện tử; sắp xếp, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả cũng được Bộ Tài chính chú trọng thực hiện. Nhờ đó, Bộ Tài chính luôn nằm trong top 3 đứng đầu về xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính; năm thứ 2 liên tiếp giữ vị trí thứ nhất bảng xếp hạng về mức độ chuyển đổi số khối các bộ, ngành cung cấp dịch vụ công.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2023, Bộ Tài chính đặt ra 11 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, nổi bật như: đẩy mạnh thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển KT-XH; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, các mục tiêu kế hoạch tài chính quốc gia; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ…

Đối với tỉnh Đắk Lắk, năm 2022, tỉnh cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu. Tổng thu cân đối ngân sách năm 2022 ước thực hiện 9.152 tỷ đồng, tăng 37,3% so với dự toán Trung ương giao, tăng 11,6% so với dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 11,5% so với năm 2021. Về chi ngân sách, tỉnh đã tổ chức điều hành, quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm, đúng chế độ quy định; chủ động đảm bảo cân đối nguồn ngân sách địa phương, tổ chức chi ngân sách theo dự toán được giao và phù hợp với khả năng thu; tăng cường quản lý đầu tư công; đảm bảo nguồn vốn ngân sách được sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm, đạt hiệu quả cao nhất.

Advertisement

Kế thừa những kết quả đã đạt được, trong năm 2023, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, tập trung giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; kịp thời xử lý những vấn đề nổi cộm, đột xuất, phát sinh; tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo chuyển biến tích cực ở tất cả các ngành, lĩnh vực bằng nhiều giải pháp cụ thể.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh:baochinhphu.vn)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành Tài chính đã đạt được trong năm 2022. Đồng thời đề nghị ngành Tài chính tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu, ưu tiên giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường, giá, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển bền vững các lĩnh vực KT-XH; cân đối thu chi, phấn đấu bội thu, giảm bội chi, giảm nợ công, nợ Chính phủ; tăng chi cho đầu tư phát triển; kiểm soát, ổn định giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu để bảo đảm an sinh xã hội, ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân; góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tạo công ăn việc làm, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững.

Bên cạnh đó, tập trung làm tốt công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu; tổ chức điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; tiếp tục củng cố, phát triển đồng bộ, nâng cao chất lượng các thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính…

Advertisement

About admin

Check Also

Nỗi đau sau vụ án học sinh phạm tội giết người

Vào ngày 24/11/2024, 4 bị cáo trẻ tuổi bị kết án tù vì gây án …