Phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025

Sáng 24/02, Văn phòng Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 – 2025 (sau đây gọi tắt Ban Chỉ đạo) theo hình thức trực tuyến với các địa phương về tình hình triển khai thực hiện các chương trình MTQG năm 2022, 02 tháng đầu năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Tại đầu cầu Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trần Lưu Quang chủ trì. Tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đinh Xuân Hà chủ trì cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành tham dự.

Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã tích cực xây dựng và ban hành các quy định, chính sách để làm cơ sở pháp lý cho việc tổ chức, thực hiện các chương trình MTQG. Theo đó, có 52/52 địa phương được phân bổ ngân sách Trung ương đã ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn để thực hiện các chương trình; 34/52 địa phương đã ban hành quy định về cơ chế lồng ghép; 30/52 địa phương đã ban hành quy định cơ chế phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện.

Giai đoạn 2021 – 2025, Thủ tướng Chính phủ giao 100.000 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển; 91.956,848 tỷ đồng vốn sự nghiệp cho các cơ quan Trung ương và địa phương để thực hiện 3 chương trình MTQG (phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới).

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tham gia ý kiến tại phiên họp (Ảnh chụp từ màn hình)

Trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phân bổ cho các địa phương thực hiện 3 chương trình MTQG gần 34.050 tỷ đồng (24.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và gần 10.020 tỷ đồng vốn sự nghiệp). Tính đến 31/01/2023, ước giải ngân hơn 13.730,9 tỷ đồng, đạt khoảng 57,21% KH đối với nguồn vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương; đã giải ngân khoảng 92,9% KH (hết tháng 12/2022) và dự kiến đến hết quý I/2023 giải ngân đạt 100% KH vốn ngân sách địa phương.

Kết quả năm 2022, cả nước có 6.001/8.211 xã (73,08% xã) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 4,4%) so với cuối năm 2021; có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 39,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước); tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 – 1,5% năm.

Về phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện 3 chương trình MTQG năm 2023, đến nay, đã có 42/48 địa phương phân bổ chi tiết khoảng 18.850 tỷ đồng, đạt 76,34% nguồn ngân sách Trung ương và có 25 địa phương bố trí khoảng 5.427,9 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Tính đến 31/01/2023, 14 địa phương giải ngân gần 312,7 tỷ đồng và ước đến 28/02/2023 sẽ có 17 địa phương giải ngân được khoảng 545,3 tỷ đồng nguồn ngân sách Trung ương.

Advertisement

Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại phiên họp (Ảnh chụp từ màn hình)

Tại phiên họp, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG liên quan đến định mức, cơ chế thực hiện hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất; tiêu chí lựa chọn các hộ dân tộc thiểu số nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế cho các hộ dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn; tiêu chí xác định đối tượng người lao động có thu nhập thấp… Qua đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện 3 chương trình MTQG như: đẩy nhanh tiến độ giao vốn cho các địa phương; tăng cường công tác phối hợp thực hiện giữa các bộ, ngành, địa phương; cho địa phương thực hiện cơ chế mở; hạn chế việc đầu tư dàn trải, manh mún…

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trần Lưu Quang ghi nhận những kết quả đã đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các chương trình MTQG năm 2022. Đối với nhiệm vụ năm 2023, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tập trung sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng còn chưa rõ hoặc để phù hợp với thực tiễn địa phương; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho địa phương; nghiên cứu lồng ghép thực hiện 3 chương trình MTQG để triển khai đạt hiệu quả cao hơn. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cườn hoạt động chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo các cấp; kiểm tra lại nguồn vốn để chủ động giải ngân vốn thực hiện các dự án; nghiên cứu, rà soát các dự án thuộc chương trình MTQG để tập trung đầu tư; tuyệt đối không giao vốn cho cấp xã thực hiện các dự án trong 3 chương trình MTQG.

Advertisement

About admin

Check Also

Xô xát, vợ cầm dao đâm chồng tử vong

Phòng Cảnh sát hình sự – Công an tỉnh phối hợp bắt giữ đối tượng …