Sáng 19/7, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ năm nhằm sơ kết công tác CCHC 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp.
Tham dự Phiên họp tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành hữu quan.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương (Ảnh chụp qua màn hình).
Báo cáo tại Phiên họp cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác CCHC đã đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Theo đó, về cải cách thể chế, các bộ, cơ quan đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 11 luật, nghị quyết, xem xét, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật; triển khai hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật… góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật.
Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, ban hành 1.625 quyết định công bố TTHC sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý; đến nay, đã có 31,16% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 66,48% hồ sơ TTHC được số hóa; 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành đã thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đến nay đã có 26 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành, cơ quan được ban hành; 4/20 bộ ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành và 5/15 bộ ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành; kết quả tinh giản biên chế 6 tháng đầu năm 2023 của các địa phương theo quy định là 127 người, trong đó, công chức 12 người…
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.
Công tác cải cách chế độ công vụ, kỷ cương, kỷ luật hành chính được tăng cường, việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm được thực hiện nghiêm theo quy định. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 395 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật.
Về cải cách tài chính công, các bộ ngành, địa phương đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác quản lý, sử dụng tài sản công. Công tác giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2023 là 215.578,9 tỷ đồng, đạt 28,63% kế hoạch.
Đối với xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, tính đến nay, tổng số giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia từ khi khai trương đến nay là hơn 1,35 tỷ giao dịch; có 23 bộ, ngành và 60 địa phương đã hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Trong 6 tháng đầu năm, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã có hơn 3,6 triệu tài khoản đăng ký; hơn 55,98 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 7,88 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 9,75 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng. Tính đến nay, đã có 32,05% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử, 67,32% hồ sơ TTHC được số hóa…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác CCHC thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế như: TTHC trên một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo; việc ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC và chỉnh sửa hệ thống thông tin giải quyết TTHC tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh: chinhphu.vn)
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, thực sự lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, qua đó đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân. Cùng với đó, tiếp tục rà soát đội ngũ cán bộ, nếu có trường hợp né tránh, đùn đẩy trách nhiệm thì xử lý theo quy định, đồng thời kịp thời động viên, khuyến khích, khen thưởng các cá nhân, đơn vị làm tốt; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát về công vụ ở các cấp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các thành viên Ban chỉ đạo, người đứng đầu các cấp phải coi việc lãnh đạo, chỉ đạo CCHC là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác, đồng thời là tiêu chí để đánh giá, xếp loại cán bộ; khẩn trương triển khai các quy định về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ, triển khai hiệu quả Luật Giao dịch điện tử, Đề án 06; đẩy mạnh việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, thực hiện có hiệu quả quy định về tinh giản biên chế, cơ cấu lại vị trí việc làm…