Sáng 7/11, tại Nhà Quốc hội, trong khuôn khổ chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột.
Quang cảnh phiên họp
Phát biểu điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, đây là lần đầu tiên Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho đơn vị cấp thành phố thuộc tỉnh, cấp huyện. Quốc hội đã thảo luận ở tổ về nội dung này và có 42 lượt ý kiến phát biểu, cơ bản các ý kiến thống nhất cần thiết ban hành Nghị quyết để thể chế hóa chủ trương của Đảng, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển thành phố Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững, trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, cực tăng trưởng có tác dụng lan tỏa tới cấp tỉnh trong vùng.
Qua thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến của đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm góp phần giúp thành phố Buôn Ma Thuột phát triển đột phá hơn trong thời gian tới. Các đại biểu cho rằng, 5 gói chính sách thuộc 4 lĩnh vực đệ trình Quốc hội xem xét thông qua đợt này, có thể chưa tương xứng với quy mô theo tinh thần Kết luận số 67 của Bộ Chính trị nhưng sẽ là nền tảng cho việc xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa, tiềm năng, lợi thế.
Theo đại biểu, để tạo sự đột phá cho thành phố Buôn Ma Thuột, đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết bổ sung một số chính sách mới nhằm thu hút các nhà đầu tư đến với thành phố. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung thêm một số chính sách mới, nhất là liên quan đến vấn đề đầu tư công, đất đai nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột cho phù hợp, sát với thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố này trong trước mắt và tương lai.
Về quản lý tài chính ngân sách, đại biểu nêu rõ, theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 tỉnh Đắk Lắk được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ nguồn tài chính khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ không vượt quá 40% số thu ngân sách của tỉnh được hưởng theo phân cấp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp
Đại biểu cho rằng, mức này thấp hơn ngưỡng 60% hiện nhiều địa phương được áp dụng. Nếu ở mức 40% tùy theo tính toán sơ bộ trong 5 năm tới, mức vay để đầu tư cho Buôn Ma Thuột chỉ tăng khoảng 1.200 tỷ đồng, chưa thực sự tạo nên sự đột phá cho thành phố này. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần phải tính toán cho thật kỹ lưỡng để vừa đảm bảo tính đặc thù về nguồn lực thực hiện Nghị quyết nhưng phải đảm bảo được hiệu quả nguồn vốn vay để có thể trả nợ và không ảnh hưởng chung đến tổng nợ vay quốc gia.
Về cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học có tài năng đặc biệt, đại biểu đề nghị cần chú trọng đến cơ chế và môi trường làm việc, đồng thời cần xác định rõ minh bạch và lượng hóa được các tiêu chí xác định thế nào là tài năng đặc biệt để tránh tác dụng ngược của cơ chế.
Bên cạnh đó, để chính sách được quy định trong nghị quyết đủ mạnh và không dàn trải, đại biểu đề xuất nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa các quy định chính sách để đảm bảo không xung đột với các chính sách khác và đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đề ra bao gồm chính sách về xây dựng; bảo vệ, phát triển các vùng nguyên liệu…
Đại biểu Ngô Trung Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu thảo luận tại phiên họp
Góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) nhất trí với ý kiến đại biểu và 5 nhóm chính sách được đề ra trong dự thảo nghị quyết. Đại biểu cho rằng những cơ chế, chính sách được Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho Buôn Ma Thuột có thể chưa hoàn toàn đáp ứng được kỳ vọng, nhưng đó là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của các vị đại biểu Quốc hội dành cho Buôn Ma Thuột. Tỉnh Đắk Lắk chắc chắn sẽ chắt chiu, phát huy hiệu quả cao nhất các chính sách này, khai thác tiềm năng, lợi thế để xây dựng và phát triển thành phố thực sự trở thành đô thị trung tâm có bản sắc riêng của vùng Tây Nguyên, là cực tăng trưởng, tác động lan tỏa tích cực cho tỉnh Đắk Lắk, cho cả các tỉnh khác trong vùng Tây Nguyên như tinh thần đề ra tại Kết luận số 67 của Bộ Chính trị…