Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022

Ngày 28/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước; phương án phân bổ ngân sách Trung ương và tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Quang cảnh phiên họp (Ảnh: quochoi.vn)

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng, với những giải pháp về chính sách tiền tệ và tài khóa khá hợp lý trong năm 2022, Việt Nam đã giữ được ổn định của thị trường này trước biến động mạnh. Tuy nhiên, đây sẽ là lĩnh vực chứa đựng rất nhiều biến động và rủi ro trong năm 2023. Các chính sách phù hợp với năm 2022 cần được rà soát, phân tích sâu hơn và cân nhắc chặt chẽ hơn nữa trong năm tài khóa 2023. Qua đó, các mục tiêu lớn trong năm 2023 cũng cần được xem xét một cách thận trọng. Đơn cử như giữ mục tiêu kiểm soát lạm phát với mục tiêu tăng trưởng.

Ngoài ra, đầu tư công được xem là đòn bẩy, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, tỷ lệ giải ngân vẫn đạt thấp và vấn đề này đã được đề cập nhiều qua các năm. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo rất quyết liệt nhưng vẫn chưa được cải thiện.

Theo đại biểu, không ít nguyên nhân, hạn chế, vướng mắc đã được nhận diện nhưng chậm được khắc phục, trong đó có việc bắt dự án giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư thành dự án độc lập trong các trong thực hiện các dự án đầu tư đã được nhiều địa phương kiến nghị và cũng được nêu trong Nghị quyết 29 ở phần nội dung các giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Đó là giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm về việc tách, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định. Chính phủ cũng đã có những đề xuất nhưng hiện nay chỉ mới thực hiện một số ít dự án cụ thể, như vậy là vẫn chưa thể tháo gỡ được vướng mắc này. Vì vậy, đại biểu kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ xây dựng đề án tổng thể, sớm tổ chức triển khai quy mô rộng hơn để tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn.

Một số đại biểu đánh giá, hiện nay cơ cấu ngân sách nhà nước chưa vững chắc, nguồn thu từ đất, từ thuế thu nhập cá nhân, vẫn còn rất lớn. Thu từ khu vực sản xuất kinh doanh chỉ bằng 1/3 tổng nguồn thu, trong đó có thu từ dầu hỏa. Mặc dù các doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng có địa phương thu rất cao, có địa phương thu thấp. Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn trong việc dự toán thu từ sử dụng đất, thu từ các nguồn thu và cần có sự cân đối thực tế để có sự phấn đấu, tránh những trường hợp dự toán thấp để vượt thu, hưởng tỷ lệ cho địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu cho rằng, về điều hành kinh tế – xã hội những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục điều hành quyết liệt, thận trọng, linh hoạt như trong giai đoạn vừa qua, trong đó quyết liệt triển khai tháo gỡ, giải ngân vốn đầu tư công và chương trình phục hồi kinh tế; tiếp tục thận trọng, linh hoạt, kịp thời trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, nhất là các biện pháp để kiểm soát và kiềm chế lạm phát, trong đó tập trung hỗ trợ kịp thời để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mở rộng thị trường, đảm bảo nguồn lực cho các chính sách an sinh xã hội, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hành tiết kiệm chi tiêu hợp lý.

Advertisement

Quan tâm về tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, công trình, dự án quan trọng của địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia hay việc chậm giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch COVID-19 trong năm 2022 – 2023, đại biểu cho rằng, việc giải ngân chậm do vướng mắc về quy trình, thủ tục khi triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án có phần là do phân bổ vốn chậm, chuẩn bị đầu tư chưa kỹ. Tuy nhiên, yếu tố chủ quan của con người, bộ máy vẫn là khâu quyết định. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần siết chặt hơn nữa kỷ luật hành chính, kỷ cương công vụ, đánh giá cán bộ theo kết quả công việc cụ thể. Nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thực hiện không hiệu quả thì cần xem xét lại việc bố trí cán bộ tuyên chuyển, bố trí công việc khác phù hợp hơn với năng lực sở trường.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm (Ảnh: quochoi.vn)

Về vấn đề xăng dầu thiếu thật hay thiếu giả, đại biểu đề nghị cần phải nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận, đánh giá để có giải pháp căn cơ lâu dài. Theo đại biểu, cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng dẩu là bằng chính sách tài khóa thông qua thuế và phí và làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan.

Về chính sách, chế độ cho ngành y tế, giáo dục, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa tới hai ngành y tế và giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông từ chế độ lương, phụ cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, thuốc men, sách giáo khoa, chương trình giảng dạy để có thể tạo sự chuyển biến rõ rệt ngay trong năm 2023…

Cũng trong phiên làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng ; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã phát biểu giải trình, trao đổi làm rõ thêm các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Chính phủ và các Bộ.

Advertisement

About admin

Check Also

Bắt giữ đối tượng cướp giật 430 tờ vé số của một cụ bà

Công an TP. Buôn Ma Thuột tạm giữ đối tượng Nguyễn Thuận Thảo về hành …