Sáng 31/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Quang cảnh phiên họp (Ảnh: Quochoi.vn).
Tham gia thảo luận tại Phiên họp, đồng chí Lê Thị Thanh Xuân – Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, nước ta hiện đang đối mặt với những khó khăn nội tại của nền kinh tế như: công tác dự báo gặp nhiều khó khăn; một số bộ ngành, địa phương còn phối hợp chưa chặt chẽ, đặc biệt là trong các vấn đề liên ngành như xây dựng, đất đai, môi trường; ngành du lịch phục hồi còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có…
Trước những khó khăn nêu trên, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân đề nghị cần tăng cường nắm bắt tình hình đến từng địa phương, từng địa bàn trọng điểm để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; tiếp tục thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhất là hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên; quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông mang tính kết nối vùng cho địa bàn Tây Nguyên như tuyến cao tốc nối Tây Nguyên với với các tỉnh miền Trung, Đông Nam Bộ, trước mắt là đoạn tuyến Đắk Nông – Chơn Thành – Bình Phước.
Đồng chí Lê Thị Thanh Xuân – Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Quochoi.vn).
Bên cạnh đó, cần tăng mức hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng đường giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đường giao thông nông thôn đối với các tỉnh có diện tích rộng, điều kiện giao thông còn khó khăn, không có khả năng cân đối bằng ngân sách địa phương và khó huy động xã hội hóa; bảo đảm tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm; chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; đẩy nhanh tốc độ phục hồi ngành du lịch, khôi phục thị trường khách quốc tế, đa dạng các sản phẩm dịch vụ du lịch.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm, tập trung giải quyết vướng mắc liên quan đến các công ty nông, lâm nghiệp; xem xét có kế hoạch cân đối bố trí đủ vốn đầu tư, hỗ trợ kịp thời cho các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do đã được phê duyệt; rà soát các quy định pháp luật về đất đai, lâm nghiệp; đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quan tâm rà soát, kịp thời tháo gỡ, hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách pháp luật về nông nghiệp liên quan đến công tác quản lý giống cây trồng, về đơn giá bồi thường cây trồng khi nhà nước thu hồi đất, việc quản lí và cấp mã số vùng trồng; đề nghị tăng mức hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ ngân sách trung ương với mức tối thiểu 1,3 triệu đồng/ha/năm để đảm bảo nâng cao hiệu quả quản lí bảo vệ rừng; quan tâm và có giải pháp phù hợp đối với việc bảo tồn và phát triển đàn voi nhà…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Quochoi.vn).
Trong phiên họp đã có 26 đại biểu phát biểu, 4 đại biểu tranh luận, ý kiến của các đại biểu đều tâm huyết, trách nhiệm, bám sát theo các báo cáo kinh tế – xã hội và gợi ý về các nội dung trọng tâm. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu tiếp tục phát biểu thêm về các vấn đề mới trong phiên họp chiều nay 31/5. Trong phiên làm việc chiều 31/5, một số Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ phát biểu giải trình, trao đổi một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm.