Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai nhiệm vụ năm 2023

Sở LĐTB&XH kịp thời tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng của COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Đến nay đã thực hiện chi trả cho 135.972 đối tượng với tổng số tiền là 134.113,458 triệu đồng (đạt 99,4%); đang tiếp tục chi trả cho 780 đối tượng với số tiền là 1.035,93 triệu đồng (chủ yếu là các đối tượng F1).

Tham mưu phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động với 10 doanh nghiệp là 162 lượt người với số tiền chi trả là 229.500.000 đồng; đến ngày 05/9/2022 đã hoàn thành việc chi trả.

Lãnh đạo Trường Trung cấp Đắk Lắk tham luận tại hội nghị

Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ cho 127.715 người lao động trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam do ảnh hưởng của đại dịch COVID (đạt 100%).

Trong năm 2022 toàn tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 41.250 người, bằng 103,12% so với kế hoạch; trong đó xuất khẩu lao động khoảng 1.586 người (bằng 105,7% so với kế hoạch). Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị khoảng 2,5%, giảm 0,1% so với 2021.

Đến cuối năm 2022 có 124.354 người tham gia BHXH (Trong đó tham gia BHXH bắt buộc: 106.656 người; tham gia BHXH tự nguyện: 17.698 người). Chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện kịp thời, góp phần ổn định cuộc sống của người lao động, đã có 11.100 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền chi trợ cấp thất nghiệp trên 170 tỷ đồng.

Thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; đẩy mạnh các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, trong năm toàn tỉnh đã huy động Quỹ đền ơn đáp nghĩa với số tiền hơn 7.115 triệu đồng, đạt tỷ lệ 101,6% kế hoạch năm. Từ nguồn kinh phí huy động được đã sửa chữa, nâng cấp 27 căn nhà tình nghĩa, với số tiền 462 triệu đồng; xây dựng 19 căn nhà tình nghĩa, với số tiền 798 triệu đồng; tặng 154 sổ tiết kiệm, với số tiền hơn 263 triệu đồng tặng cho đối tượng chính sách có công.

Tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, chính sách trợ giúp xã hội; nhất là chính sách hỗ trợ, chăm lo đời sống người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho 66.907 đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội với kinh phí thực hiện: 384.449,79 triệu đồng. Đảm bảo cho các đối tượng yếu thế đón tết Nhâm Dần vui tươi, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm. Cấp gạo cứu đói Tết Nguyên đán và những tháng giáp hạt đầu năm cho người dân ở một số địa phương khó khăn, bảo đảm công tác cứu trợ đột xuất được kịp thời, không để người dân nào bị đói. Toàn tỉnh cứu đói dịp tết Nguyên đán và bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 cho 39.397 hộ, 142.478 khẩu, với 2.137 tấn gạo; tổng kinh phí thực hiện: 28.348 triệu đồng.

Thực hiện đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhân rộng các mô hình, cách làm hay giúp dân giảm nghèo ở các địa phương đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 còn 10,94%, giảm 1,85%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 26,74% đầu năm 2022 xuống còn 23,08% cuối năm 2022, giảm 3,66%.

Các chính sách về bảo vệ chăm sóc trẻ em đã đi vào ổn định và đạt được những kết quả đáng khích lệ; Công tác bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tệ nạn xã hội trên địa bàn… Đến nay tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, hỗ trợ dưới mọi hình thức khoảng 98,6%; toàn tỉnh có 1.008 người nghiện ma túy được tiếp cận các dịch vụ điều trị, cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng.

Advertisement

Công bố và đăng tải trên Cổng dịch vụ công của tỉnh hồ sơ 69 thủ tục hành chính. Trong năm việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Sở được triển khai có hiệu quả, tổng số hồ sơ nhận giải quyết: 601 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết đúng hạn và trước hạn theo quy định: đạt 100%; trước hạn: 551/589 hồ sơ, đạt 93,5%.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh nhấn mạnh, trong năm 2022 Sở đã kịp thời tham mưu triển khai các chương trình liên quan đến lĩnh vực của ngành phụ trách giai đoạn 2021-2025; Đặc biệt đã tham mưu triển khai rất kịp thời, hiệu quả trong việc chi trả cho các đối tượng bị ảnh hưởng do COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chỉnh phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác chi trả cho đối tượng được quan tâm chỉ đạo đảm bảo đúng đối tượng nên đến nay nhìn chung chưa có vấn đề nổi cộm tại các địa phương.

Năm 2023, đề nghị toàn ngành khắc phục những hạn chế về các chính sách phát triển thị trường lao động còn thiếu đồng bộ, chưa kịp thời có những giải pháp ứng phó với những thay đổi trên thị trường lao động; điều tiết kết nối cung – cầu lao động còn hạn chế. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa phân bố hợp lý; chưa hình thành được trường đạt đẳng cấp khu vực; cơ cấu trình độ đào tạo và ngành, nghề đào tạo chưa hợp lý;

Tập trung triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế; đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu xã hội.

Đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, tư vấn về việc làm, nghề nghiệp bằng nhiều hình thức; Tăng cường hỗ trợ phát triển thị trường lao động; tiếp tục hỗ trợ trực tiếp cho người lao động để tự tạo việc làm thông qua hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm, sản xuất đối với người có công, vùng khó khăn; cho vay ưu đãi với hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách lao động, an toàn lao động và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Advertisement

About admin

Check Also

Đâm chết bạn cùng phòng trong cơ sở cai nghiện

Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh tạm giữ đối tượng Nguyễn …