Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đơn vị sẽ phối hợp với UBND và Phòng Văn hóa Thông tin các huyện Lắk, Cư M’Gar, Krông Ana, Buôn Đôn khảo sát, sưu tầm, ghi âm, ghi hình 7 bài chiêng truyền thống của người Êđê, M’nông tại địa phương.
Nghệ nhân nữ Ê đê Bih Krông Ana biểu diễn tiết mục hòa tấu Chiêng Jhô -Ảnh minh họa
Theo đó, Sở VHTT&DL sẽ tiến hành hực hiện sưu tầm, ghi âm, ghi hình 07 bài chiêng truyền thống cụ thể: Tại huyện Lắk khảo sát thực tế 02 (hai) bài chiêng truyền thống của M’nông: Bài chiêng Chưng Rlẽ trong nghi lễ cưới xin và Bài chiêng Siêng Dơng Kriêng trong nghi lễ kết nghĩa và lễ mừng thọ.
Tại huyện Cư M’gar khảo sát thực tế 02 (hai) bài chiêng truyền thống của người Êđê: Bài chiêng Knah trong nghi lễ cúng bến và Bài chiêng Knah trong nghi lễ cầu mưa.
Tại huyện Krông Ana khảo sát thực tế 02 (hai) bài chiêng truyền thống của người Êđê Bih: Bài chiêng (đội chiêng nữ) trong nghi lễ đón khách và tiễn khách và Bài chiêng (đội chiêng nữ) trong nghi lễ mừng lúa mới.
Tại huyện Buôn Đôn khảo sát thực tế 01 (một) bài chiêng truyền thống của người Êđê hoặc M’nông trong nghi lễ, lễ hội truyền thống. Đồng thời, tổ chức ghi âm, ghi hình, quay phim tại các huyện Lắk, Cư M’Gar, Krông Ana, Buôn Đôn.
Sở đề nghị Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện các huyện Cư M’Gar, Krông Ana, Buôn Đôn, Lắk quan tâm phối hợp cung cấp và chịu trách nhiệm các nội dung của các bài chiêng đã đề xuất để tổ chức ghi âm, ghi hình đảm bảo theo yêu cầu đề ra. Chủ động chuẩn bị nhà dài truyền thống, không gian phù hợp với chiêng, huy động lực lượng nghệ nhân, đội cồng chiêng, thầy cúng, người dân và các nội dung liên quan để tổ chức tổ chức ghi âm, ghi hình các bài chiêng truyền thống của người Êđê, M’nông diễn ra đúng mục đích, ý nghĩa.
Đây là hoạt động thiết thực góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng đưa hoạt động sinh hoạt, giao lưu văn hóa cồng chiêng ở địa phương ngày càng phát triển sâu rộng, phục vụ hiệu quả nhu cầu, đời sống văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh.