Sáng 11/8, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN (Nghị quyết 525) về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội từ ngày 01/01/2013 đến ngày 31/12/2022.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Thị Thanh Xuân và Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Xuân Sương đồng chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.
Thực hiện Nghị quyết 525, trong 10 năm qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp xúc cử tri theo luật định; duy trì phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tổ chức các đợt tiếp xúc cử tri trên địa bàn. Theo đó, từ ngày 01/01/2013 đến ngày 21/12/2022, đã tổ chức được 272 hội nghị tiếp xúc cử tri, thu hút đông đảo cử tri tham gia. Qua đó, nhiều kiến nghị thiết thực liên quan đến hoạt động quản lý Nhà nước, xây dựng thể chế và thực hiện các quyền cơ bản của công dân… đều được phản ánh đầy đủ tại hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Xuân Sương phát biểu tại hội nghị.
Sau mỗi đợt tiếp xúc cử tri, trên cơ sở tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phân loại, tổng hợp theo quy định. Những kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Trung ương sẽ được báo cáo về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban MTTQ Việt Nam, những kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương sẽ chuyển về UBND tỉnh giải quyết, trả lời. Trong 10 năm qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tập hợp, phản ánh 6.656 ý kiến, kiến nghị của cử tri, trong đó có 2.048 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, tổ chức Trung ương và 4.608 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Thị Phương Hoa phát biểu tham luận tại hội nghị.
Bên cạnh đó, những nội dung cử tri kiến nghị nhiều lần qua các đợt tiếp xúc cử tri đều được Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp, làm cơ sở để thực hiện chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội hoặc đề xuất đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội và địa phương để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Kết quả giải quyết kiến nghị cử tri đã góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước, từng bước thúc đẩy phát triển KT-XH, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết 525 còn tồn tại một số hạn chế như: chưa có điều kiện tổ chức nhiều hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tiếp xúc tại nơi cư trú; việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri đôi khi còn chậm, chưa giải quyết dứt điểm vụ việc, dẫn đến cử tri phải kiến nghị, phản ánh nhiều lần; đa phần kiến nghị của cử tri tập trung vào các vấn đề tranh chấp cá nhân, những vấn đề thuộc về trách nhiệm giải quyết của chính quyền các cấp, chưa có nhiều ý kiến tầm vĩ mô, tham gia xây dựng chủ trương, chính sách của Trung ương, địa phương…
Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thanh Xuân phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thanh Xuân cho biết, qua đánh giá tại hội nghị, đa số đại biểu thống nhất cao với kết quả báo cáo việc triển khai thực hiện Nghị quyết 525, đồng thời thống nhất kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các nhiệm vụ quan trọng cần tập trung triển khai như: tăng cường công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; xem xét sửa đổi Nghị quyết 525 theo hướng quy định rõ về việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú và nơi làm việc, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề của đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ để tăng cường các hình thức tiếp xúc này; quy định rõ hơn trách nhiệm của đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương nhất là người đứng đầu trong việc tham gia, cử đại diện tham gia các hội nghị tiếp xúc cử tri; nâng cao chất lượng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; tăng cường sự phối hợp, thường xuyên trao đổi thông tin với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc theo dõi, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri….
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đề nghị Thường trực HĐND, UBND tỉnh tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri, cử đại diện tham gia tiếp xúc cử tri và trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri tại các hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội tại địa phương.