Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới.
Dự hội nghị có các đồng chí: Hà Phước Thiều – Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương khu vực Miền Trung – Tây Nguyên; Phạm Minh Tấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; H’Lim Niê – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị hữu quan trong tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ đảng viên và Nhân dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của VHNT trong đời sống xã hội ngày càng được nâng cao. Hoạt động VHNT ngày càng được quan tâm đầu tư, có bước phát triền mới.
Hội VHNT tỉnh và các chi hội trực thuộc được quan tâm, kiện toàn; lực lượng hội viên được phát triển qua hàng năm, đến nay Hội có 235 hội viên; đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vững được bản lĩnh chính trị trong hoạt động sáng tạo, đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị phản ánh về đời sống, lao động của Nhân dân… Các tác phẩm văn học, nghệ thuật được sáng tác bảo đảm tính định hướng của Đảng, số lượng tác phẩm có giá trị, đạt giải khu vực, quốc gia, quốc tế ngày càng tăng; hoạt động phổ biến, tuyên truyền, quảng bá tác phẩm VHNT đa dạng, phong phú.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn phát biểu tại hội nghị.
Những di sản văn hoá truyền thống tỉnh Đắk Lắk tiếp tục được bảo tồn và phát huy; các hoạt động văn hóa, văn nghệ phong trào phát triển sâu rộng, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Các văn nghệ sĩ của tỉnh không ngừng nỗ lực sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị, tính chuyên nghiệp cao, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, định hướng tư tưởng, thẩm mỹ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: công tác tuyên truyền phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của một số cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị còn chưa được chú trọng; công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành chức năng trong hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Nghị quyết có lúc, có nơi còn thiếu đồng bộ; số lượng tác giả thật sự tiêu biểu ở từng lĩnh vực còn ít; tác phẩm đạt chất lượng cao và tác phẩm lớn chưa nhiều; chưa xây dựng được đội ngũ sáng tác, nhất là tác giả trẻ, tác giả là người dân tộc thiểu số trong lĩnh vực VHNT; công tác xã hội hoá trong lĩnh vực VHNT hiệu quả chưa cao…
Đại biểu tham quan gian trưng bày của Hội VHNT.
Để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương về xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, trước mắt là tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị, Chương trình số 23-CTr/TU, ngày 14/10/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác xây dựng và phát triển VHNT, xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn các lĩnh vực VHNT; tăng mức đầu tư cho VHNT; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, VHNT; sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ đáp ứng yêu cầu tiếp tục phát triển mạnh mẽ nền VHNT của tỉnh trong tình hình mới; củng cố, đổi mới hoạt động của Hội VHNT tỉnh; nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, phê bình VHNT; quan tâm đến công tác đào tạo tài năng trẻ và phát triển chi hội, chuyên ngành, hội viên tại các địa phương; bồi dưỡng các nhân tố là người đồng bào các dân tộc thiểu số có năng khiếu tham gia hoạt động VHNT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với hợp tác, giao lưu văn hóa quốc tế, tranh thủ mọi nguồn lực và cơ sở vật chất cho phát triển văn hóa, nghệ thuật; có chính sách đặc biệt hỗ trợ sự phát triển của ngôn ngữ, chữ viết và VHNT các dân tộc thiểu số…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn trao tặng Bằng khen cho các tập thể.
Nhân dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tặng Bằng khen cho 12 tập thể và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị.