Tăng cường phát huy đạo đức doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới

Sáng 10/9, tiếp tục chương trình làm việc, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã có buổi làm việc với đại diện cộng đồng doanh nghiệp (DN) tỉnh Đắk Lắk về việc triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TW thời gian qua.

Quang cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Phạm Tấn Công – Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Đỗ Ngọc An – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo. Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà; lãnh đạo các sở, ngành hữu quan cùng đại diện của hơn 30 doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Trong giai đoạn 2011 – 2021, cộng đồng DN, doanh nhân tỉnh đã đón nhận nhiều cơ hội từ cơ chế chính sách, chủ trương thiết thực của Nhà nước, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư phát triển cả về quy mô và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Từ năm 2011 đến nay, cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân của tỉnh không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Đến nay, tỉnh có 11.130 DN đang còn hoạt động (gồm 10.208 DN và 922 chi nhánh DN ngoài tỉnh đăng ký hoạt động trên địa bàn), tăng 2,2 lần về số lượng và 2,1 lần về quy mô vốn/DN so với năm 2012. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 47.116 hộ kinh doanh đang hoạt động.

Đồng chí Đỗ Ngọc An – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu tại buổi làm việc

Nhìn chung số DN, doanh nhân phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, tỷ lệ doanh nhân có trình độ học vấn ngày càng cao, tiếp cận trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng nhiều; nhiều DN, doanh nhân thể hiện bản lĩnh, sáng tạo năng động trong cơ chế thị trường, vươn lên cạnh tranh thị trường trong nước và các nước trong khu vực.

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của cộng đồng DN nhỏ và vừa, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành trong tỉnh, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện cho DN tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua các hoạt động như: giảm bớt các thủ tục hành chính, xây dựng hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân, DN phát triển; gặp mặt, đối thoại trực tiếp, lắng nghe ý kiến, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN bằng nhiều hình thức như Hội nghị đối thoại DN, Ngày thứ Năm DN, Cà phê doanh nhân – DN…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại buổi làm việc

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW còn một số hạn chế như: hầu hết DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ nên còn thiếu nguồn lực, nhất là nguồn vốn và nhân lực; số lượng DN có thương hiệu hàng hóa chưa nhiều, sức cạnh tranh yếu, giá trị gia tăng thấp; việc thu hút các DN vào Hiệp hội, Hội ngành nghề rất khó khăn; tính liên kết giữa các DN để tạo “chuỗi sản xuất”, “chuỗi giá trị” còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; việc thu hút các DN đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn hạn chế.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Cộng đồng Kotam đề xuất kiến nghị tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đại diện các DN đã đề xuất với đoàn công tác một số kiến nghị như: đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo dựng môi trường pháp lý thông thoáng, minh bạch, bình đẳng cho các thành phần kinh tế; kéo dài thời gian các chính sách về thuế như miễn, giảm, giãn, hoãn, khoanh thuế cho DN thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch bệnh trong thời gian qua; công khai các cơ chế, chính sách, quy hoạch của Nhà nước, của tỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau để DN tiếp cận thông tin hiệu quả hơn; quan tâm nâng cấp tuyến giao thông trên Quốc lộ 14 đoạn Buôn Ma Thuột – TP. Hồ Chí Minh để đáp ứng được nhu cầu giao thông và vận chuyển hàng hóa; ưu tiên phát triển du lịch về sinh thái văn hóa, đồng thời nghiên cứu giảm thuế giá trị gia tăng của các dịch vụ vào dịp lễ, tết…

Đồng chí Phạm Tấn Công – Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Tấn Công – Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của cộng đồng DN, doanh nhân tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua. Đồng chí Phạm Tấn Công khẳng định, Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp luôn khuyến khích, đồng hành và hỗ trợ DN, doanh nhân phát triển, đồng thời đề nghị các DN, doanh nhân tiếp tục cùng nhau xây dựng, phát huy Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, ngày càng tạo ra nhiều giá trị kinh tế cho xã hội; phát huy tính bạch, công bằng, liêm chính trong kinh doanh; đẩy mạnh sự sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; đồng thời quá trình phát triển sản xuất cần chú trọng đến yếu tố bảo vệ môi trường; tiếp tục phối hợp cùng chính quyền các cấp trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ DN, doanh nhân phát triển và hoạt động hiệu quả…

Advertisement

About admin

Check Also

Va chạm giao thông trên Quốc lộ 27: Hai người tử vong tại chỗ

Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên Quốc lộ 27 khiến hai người …