Sáng 8/3, Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc (HĐDT) của Quốc hội do Phó Chủ tịch HĐDT Cao Thị Xuân làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh nhằm đánh giá tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612/QĐ-UBDT, ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc về phân định vùng dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển đến việc thực hiện chính sách dân tộc tại tỉnh Đắk Lắk.
Quang cảnh buổi làm việc
Tiếp và làm việc với Đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Tỉnh Đắk Lắk có dân số khoảng 1,9 triệu người với 49 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 35,7%. Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk luôn quan tâm tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho hơn 143.000 lao động. Đến năm 2020, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90,23%; tỷ lệ thôn, buôn có điểm trường hoặc lớp mẫu giáo đạt 100%. Toàn tỉnh hiện có 168 công trình cấp nước tập trung nông thôn. Giai đoạn 2016 – 2020, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 37.773 khách hàng vay chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi, tổng dư nợ gần 1.021 tỷ đồng, trong đó có 15.924 hộ nghèo vay vốn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu tại buổi làm việc
Theo Quyết định 861/QĐ-TTg và Quyết định 612/QĐ-UBDT, trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Đắk Lắk có 54 xã khu vực III, 5 xã khu vực II, 71 xã thuộc khu vực I, 519 thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Toàn tỉnh có 54 xã không còn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 4 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn và 143 thôn, buôn đặc biệt khó khăn không còn diện đặc biệt khó khăn. Khi Quyết định 861/QĐ-TTg và Quyết định 612/QĐ-UBDT có hiệu lực thi hành thì các chế độ, chính sách an sinh xã hội đang thực hiện trên địa bàn những xã, thôn trên sẽ không được tiếp tục thực hiện. Toàn tỉnh sẽ có 240.746 người không còn được thụ hưởng chính sách BHYT; chế độ phụ cấp, trợ cấp đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng KT-XH đặc biệt khó khăn và chính sách hỗ trợ học bổng và chi phí học tập cho sinh viên dân tộc thiểu số bị cắt giảm; nguồn vốn đầu tư phát triển KT-XH những năm tiếp theo cũng giảm, trong khi đó, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các thôn, xã thuộc vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn…
Ủy viên Thường trực HĐDT của Quốc hội Lưu Văn Đức phát biểu thảo luận tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận về kết quả thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2016 – 2022; đánh giá tác động của Quyết định 861/QĐ-TTg và Quyết định 612/QĐ-UBDT khi triển khai trên địa bàn. Từ đó, đề nghị HĐDT kiến nghị Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các xã, thôn, buôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2021-2025 mà KT-XH còn khó khăn; cho phép tiếp tục thực hiện các chế độ, chính sách như bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục để đảm bảo an sinh xã hội cho địa bàn các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn nay không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn thời gian từ 3 năm, sau đó chia theo giai đoạn; đảm bảo ưu tiên bố trí kinh phí để đầu tư phát triển KT-XH cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn, đặc biệt khó khăn…
Phó Chủ tịch HĐDT Cao Thị Xuân phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐDT Cao Thị Xuân ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Đắk Lắk đã triển khai trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn, đảm bảo đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng các chính sách nhanh và đúng đối tượng; kịp thời phát hiện những vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn để đề xuất các giải pháp tháo gỡ hiệu quả.