Từ ngày 25-28/7, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức khai mạc Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 tại các huyện M’Drắk, Ea Kar, Krông Pắc và Cư M’Gar.
Các đại biểu tham dự tập huấn
Tại lớp tập huấn, các đơn vị sẽ được phổ biến tập trung các nội dung gồm: Chuyên đề “Bản chất, vai trò của giới tính; thực trạng, hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh, nhiệm vụ và giải pháp” (Đối với tập huấn tại UBND các xã) ; Chuyên đề “Chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, thực trạng bạo lực giới và bất bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhiệm vụ và giải pháp (Đối với tập huấn tại UBND huyện Cư Mgar).
Ông Hà Huy Quang – Phó Ban Dân tộc tỉnh truyền đạt tại lớp tập huấn
Ông Hà Huy Quang – Phó Ban Dân tộc tỉnh cho biết, các lớp tập huấn thực hiện theo Quyết định số 658/QĐ-UBND, ngày 10/4/2023 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” năm 2023. Thông qua đó nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền MTTQ và các đoàn thể các cấp về giới và bình đẳng giới; nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới trong đội ngũ các cấp và các tầng lớp nhân dân vùng đồng bào DTTS; gắn với phổ biến, tuyên truyền những nội dung cơ bản về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KTXH trong vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I, từ năm 2021-2025
Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luô quan tâm đến công tác bình đẳng giới (BĐG) và vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN), xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh. Vì vậy, đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ ngày càng được nâng cao, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh luôn chủ động quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan tới việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bình đẳng giới của tỉnh Đắk Lắk vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do trình độ, năng lực chuyên môn, nghề nghiệp của phụ nữ vẫn còn những hạn chế so với nam giới; nhiều phụ nữ thiếu việc làm, thu nhập thấp, dịch bệnh COVID – 19 nên đời sống còn nhiều khó khăn. Một số phụ nữ còn tự ti, an phận, chưa có tinh thần phấn đấu tự vươn lên,…
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giới và các văn bản hướng dẫn có liên quan chưa được thường xuyên và sâu rộng; sự phối hợp của các sở, ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện công tác BĐG có lúc chưa kịp thời; chưa bố trí được cán bộ chuyên trách cho công tác BĐG và VSTBCPN ở địa phương.