Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam

Ngày 25/12, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam – Phục hồi và phát triển”, theo hình thức trực tiếp tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An) và kết nối trực tuyến đến 20 điểm cầu tại các tỉnh trọng điểm về du lịch trong cả nước và phát trực tiếp trên các nền tảng trực tuyến.

Hội thảo đã khai mạc vào buổi sáng. Buổi chiều, các đại biểu tiếp tục chương trình hội thảo với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, lãnh đạo Bộ, ngành trung ương.

Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lê Thị Thanh Xuân, cùng đại diện các sở ban, ngành trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Từ đầu năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt của Đảng, Nhà nước và Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã tạo sự đồng tâm, hiệp lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế – xã hội duy trì và phát triển: thu ngân sách 11 tháng ước đạt hơn 1,39 triệu tỷ đồng, vượt mục tiêu 3,7%, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó thu nội địa tăng 6%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 599 tỷ USD, tăng 22,3%. Xây dựng hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, quốc phòng, an ninh được đảm bảo, quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế.

Các đại biểu tham dự điểm cầu Đắk Lắk

Phát biểu tại Phiên họp chiều 25/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, ngành du lịch có vị trí, vai trò rất quan trọng. Du lịch là ngành công nghiệp không khói, du lịch góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm được nhiều chi phí, hứa hẹn lợi ích lâu dài và góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, đất nước; luôn được xem là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội, có hệ số lan tỏa lớn, góp phần đa dạng xuất khẩu dịch vụ, tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, việc làm cho người dân và thịnh vượng chung của quốc gia.

Các đại biểu tham dự hội thảo tại các điểm cầu. (Ảnh chụp màn hình)

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, tác động của dịch COVID-19 đã làm thay đổi bối cảnh và xu thế phát triển du lịch của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Do đó, cần có sự đánh giá toàn diện, sâu sắc tác động đối với các ngành kinh tế, nhất là ngành du lịch; đánh giá thực trạng và xu thế phát triển du lịch; nghiên cứu sâu các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, làm cơ sở đề xuất, kiến nghị các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị tiếp tục làm rõ hơn mối quan hệ của Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội chung của cả nước với các chương trình, kế hoạch, định hướng phục hồi, phát triển du lịch; kiến nghị những giải pháp, chính sách, nhất là các chính sách về bảo đảm phòng chống dịch để mở cửa an toàn; chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi, phát triển du lịch; các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam; khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm, thương hiệu du lịch độc đáo, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử Việt Nam, đạt đẳng cấp thế giới. Đặc biệt, chú ý gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên với phát triển du lịch bền vững.

Advertisement

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, mỗi địa phương phải xây dựng cho được môi trường, cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, góp phần thực hiện hiệu quả Quyết định 1129 ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”, từ đó thúc đẩy mua sắm, thăm quan, thưởng thức văn hóa văn nghệ, ẩm thực, góp phần tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động; phát triển các hình thức du lịch tham quan, du lịch ẩm thực, du lịch xanh, du lịch kết hợp với hội nghị, du lịch kết hợp với nghỉ dưỡng, tận dụng tối đa tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút khách du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển xã hội.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực khác. Do đó, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch cần xem xét hài hòa, tổng thể trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương và cả nước. Hội thảo cần thảo luận sâu, tìm ra các giải pháp thúc đẩy tính lan tỏa, liên kết vùng, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế để phát triển du lịch gắn với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường.

Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban tổ chức Hội thảo không chỉ tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, mà cần tiếp thu rộng rãi ý kiến của nhân dân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để bao phủ hết các đối tượng tác động. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền tiếp thu ý kiến đại biểu tại Hội thảo, có các giải pháp cụ thể, thực thi, nhất quán từ Trung ương đến địa phương để tháo gỡ khó khăn, sớm phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn này.

Advertisement

About admin

Check Also

Bắt giữ 2 đối tượng cướp tiệm vàng ở Ea H’leo

Công an huyện Ea H’leo bắt giữ 2 nghi can cướp giật vàng, sau khi …