Thẩm định liên ngành chủ trương đầu tư cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột

Sáng 3/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì cuộc họp Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột nhằm thảo luận báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trước khi trình Quốc hội phê duyệt.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk

Tham dự cuộc họp có ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ trưởng Vụ giám sát và Thẩm định đầu tư – Bộ KH&ĐT, trưởng nhóm và các thành viên thuộc Bộ, ngành, địa phương liên quan.

Tại cuộc họp, các thành viên Tổ chuyên gia thẩm định đã tập trung trao đổi về một số nội dung: Phương án thiết kế sơ bộ tuyến và phân kỳ đầu tư; Nguồn vốn; phương án phân chia dự án thành phần và dự kiến cơ quan chủ quản dự án; tác động của dự án cao tốc với dự án BOT Quốc lộ 26; cơ chế đặc thù đối với dự án.

Ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ trưởng Vụ giám sát và Thẩm định đầu tư – Bộ KH&ĐT phát biểu tại cuộc họp

Theo báo cáo tóm tắt Ban Quản lý dự án 6, Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 thì tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột được xác định xây dựng giai đoạn 2021 – 2025; quy mô 4 làn xe, chiều dài dự kiến 130 km.

Ông Trần Đình Nhuận – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo tại cuộc họp

Tuy nhiên, báo cáo tiền khả thi dự án đề xuất Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đi qua địa bàn 02 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk tổng chiều dài 117,5km (chiều dài đoạn qua tỉnh Khánh Hòa khoảng 32,7 km và qua tỉnh Đắk Lắk khoảng 84,8km).

Hướng tuyến Cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột do Ban QLDA 6 đề xuất

Kết quả làm việc của Ban QLDA6 và Tư vấn với Cục hàng hải Việt Nam, Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, UBND thị xã Ninh Hòa, Ban QL khu kinh tế Vân Phong, điểm đầu dự án được thống nhất là điểm giao giữa QL26B với QL1, thuộc địa phận thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Điểm cuối khoảng Km12+450/đường HCM tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột (cao tốc Bắc Nam phía Tây CT.02). Đây là điểm nằm trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía Tây tương lai; điểm nằm giữa QL26 và QL27, việc kết nối giao thông thuận lợi đồng thời sẽ kết hợp với đại lộ Đông Tây dễ dàng kết nối với sân bay và trung tâm TP. Buôn Ma Thuột.

Trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hướng tuyến đã được nghiên cứu phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch của các ngành, lĩnh vực và các địa phương liên quan đã được UBND các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk thống nhất; liên quan vấn đề an ninh, quốc phòng đã có ý kiến thỏa thuận với Quân khu 5 – Bộ Quốc phòng và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hoà và tỉnh Đắk Lắk.

Về phương án phân chia dự án thành phần: Dự án thành phần 1

Advertisement
(Km0+000 – Km32+000) với chiều dài khoảng 31,5km cơ bản trên địa phận tỉnh Khánh Hòa, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.632 tỷ đồng. Do đoạn tuyến này nằm trên địa bàn 01 tỉnh nên không phải xây dựng khung chính sách giải phóng mặt bằng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Dự án thành phần 2 (Km32+000 – Km69+500) với chiều dài khoảng 37,5km trên địa bàn 02 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.818 tỷ đồng. Đoạn tuyến này đi qua địa bàn 02 tỉnh, có tính chất phức tạp về địa hình, nhiều công trình cầu (khoảng 27 cầu) và toàn bộ 03 hầm trên tuyến, phải xây dựng khung chính sách giải phóng mặt bằng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự án thành phần 3 (Km69+500 – Km117+866) với chiều dài khoảng 48,5km trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.485 tỷ đồng. Tương tự Dự án thành phần 1, không phải xây dựng khung chính sách giải phóng mặt bằng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề xuất của Ban Quản lý dự án 6, 03 dự án thành phần được chuẩn bị và triển khai đầu tư cùng thời điểm, cùng được bố trí vốn để triển khai theo kế hoạch nên sẽ hoàn thành và khai thác đồng bộ toàn tuyếncác dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Về cơ chế đặc thù cho dự án, Bộ GTVT đề xuất sau khi trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, giao Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án và phê duyệt theo thẩm quyền trước khi quyết định đầu tư dự án.

Tại cuộc họp Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hướng dẫn địa phương triển khai dự án phù hợp với Luật Lâm nghiệp; Bộ GTVT rà soát kỹ nội dung cần báo cáo Quốc hội trong việc sử dụng vốn, phân cấp cho địa phương, khai thác các mỏ vật liệu để đảm bảo tính đầy đủ và khả thi trong quá trình đầu tư.

Advertisement

About admin

Check Also

Gần 45% vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến quốc lộ

Ban An toàn giao thông tỉnh thông báo về tình hình tai nạn giao thông …