Sáng 15/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đối thoại với phụ nữ Việt Nam với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế -xã hội”.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị đối thoại với Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Hơn 300 đại biểu tham dự tại điểm cầu trung tâm tại Hà Nội và trên 5.000 cán bộ, hội viên phụ nữ, các nữ doanh nhân, nữ trí thức, phụ nữ lực lượng vũ trang, phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực tham gia tại các điểm cầu trên cả nước.
Tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh, lãnh đạo Sở, ngành, hội viên Hội LHPN cấp tỉnh/ huyện.
Mở đầu hội nghị, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga báo cáo đề dẫn một số kết quả của tổ chức Hội; quá trình lấy ý kiến của phụ nữ và các vấn đề đặt ra hiện nay liên quan tới phụ nữ và bình đẳng giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, ngành tham gia đối thoại. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nêu rõ, cuộc đối thoại là minh chứng cụ thể thể hiện tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ đối với phong trào phụ nữ và sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với sự nỗ lực cố gắng không ngừng của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới thời gian qua đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tỉ lệ nữ đại biểu khoá XV đạt cao, xếp thứ 62/190 quốc gia trên thế giới và thứ 2 trong khu vực ASEAN về tỉ lệ nữ tham gia cơ quan nghị viện/quốc hội (theo đánh giá của Liên đoàn nghị viện quốc tế). 50% bộ, cơ quan ngang bộ có nữ lãnh đạo chủ chốt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh chủ trì điểm cầu Đắk Lắk
Nữ trí thức ngày càng thể hiện được tài năng, trí tuệ và sức sáng tạo, có nhiều cống hiến cho xã hội, được Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Từ năm 2015 đến nay đã có 3 nhà khoa học nữ Việt Nam được UNESCO vinh danh là Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới (trong đó năm 2022 có 1 chị).
Đặc biệt, trong 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, cùng với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và người dân, các nữ cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên y tế đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản khó khăn – thậm chí cả hy sinh, mất mát – tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh, giữ gìn sức khỏe, tính mạng cho người dân.
Tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ngày càng tăng, có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Mới đây nhất, tại Lễ vinh danh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 do VCCI tổ chức, nữ doanh nhân Việt Nam có 2 chị trong Top 10 doanh nhân tiêu biểu xuất sắc nhất, 3 trong 6 doanh nhân có thành tích xuất sắc trong hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu tại Hội nghị – Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong lĩnh vực văn hóa-thể thao, lần đầu tiên trong lịch sử đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành vé tham dự vòng chung kết Word Cup nữ 2023. Vận động viên nữ Việt Nam có đóng góp quan trọng về thành tích của quốc gia tại SEA Games 31 với 103 huy chương vàng, 119 huy chương bạc và đồng, chiếm gần 50% trong tổng số huy chương của đoàn Việt Nam. Phụ nữ trong lực lượng vũ trang Việt Nam tham gia hiệu quả, trách nhiệm trong lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc… và còn nhiều thành tựu khác, thể hiện vai trò, vị thế và sự đóng góp quan trọng của phụ nữ trên các lĩnh vực.
Đối với tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đồng hành cùng các cấp chính quyền, các cấp Hội trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Kể cả trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Từ Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã có 11.000 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 2.000 trẻ mồ côi do dịch COVID-19 đã được kết nối hỗ trợ, đỡ đầu.
Phát biểu mở đầu đối thoại, Thủ tướng khẳng định: Phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ luôn có vai trò đặc biệt, có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, vị trí công việc gì, phụ nữ Việt Nam cũng tỏa sáng phẩm chất “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” như tám chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng cho phụ nữ Việt Nam. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ với nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phụ nữ trong tạo việc làm, khởi nghiệp… Với những chính sách đó, Việt Nam đã tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò và có nhiều cơ hội đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội.
Thông qua cuộc đối thoại, Thủ tướng Chính phủ muốn lắng nghe, chia sẻ, cùng giải quyết, cùng có trách nhiệm trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, cởi mở, khách quan, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu nói rõ những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc và đề nghị các bộ, ngành trả lời có trách nhiệm về những vấn đề còn băn khoăn, trăn trở của phụ nữ cả nước.
Trong chương trình đối thoại, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Chính phủ đã đối thoại với đại diện phụ nữ cả nước 3 chủ đề chính: phụ nữ với phát triển kinh tế; phụ nữ và các vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng giới; phụ nữ và thế hệ tương lai. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề thiết thân đối với phụ nữ trong giai đoạn hiện nay như : Việc phát triển các hợp tác xã do phụ nữ làm chủ còn thấp và những giải pháp gì để phụ nữ chủ động tham gia các hợp tác xã, tham gia các chuỗi giá trị sản xuất kinh tề tuần hoàn; những giải pháp cụ thể để phát huy vai trò của phụ nữ trong quá trình xây dựng nông thôn mới; Chính phủ có những giải pháp gì để thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học công nghệ, phát huy vai trò của phụ nữ tham gia lĩnh vực khoa học công nghệ; công nhận, ghi danh các giá trị liên quan đến áo dài Việt Nam; các chính sách liên quan đến y tế đối với phụ nữ; Chính phủ có những giải pháp gì để giải quyết vấn đề phụ nữ di cư trở về, nhất là việc nhập quốc tịch và đăng ký khai sinh cho trẻ em khi theo mẹ trở về và các chính sách hỗ trợ phụ nữ tái hòa nhập, ổn định vươn lên trong cuộc sống…
Trước câu hỏi của cán bộ, hội viên, phụ nữ tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ và các điểm cầu trong cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành đã trực tiếp trả lời. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cuộc đối thoại hướng tới phát hiện những vướng mắc, giải quyết những khó khăn, dự báo thách thức để cùng vượt qua, tất cả chung tay vì sự phát triển dân tộc, vì sự hùng cường của quốc gia.