Sáng 29/3, Ban Cán sự Đảng Chính phủ tổ chức họp trực tuyến với Ban Cán sự Đảng các tỉnh/thành nhằm cho ý kiến về 03 dự án đường cao tốc: Dự án Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Dự án Biên Hòa – Vũng Tàu, Dự án Chấu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng trước khi trình Bộ Chính trị xem xét. Đồng chí Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp.
Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk có đồng chí Phạm Ngọc Nghị – Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở, ngành.
Đồng chí Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp – Ảnh chụp màn hình
Tại cuộc họp, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã nghe Bộ GTVT đánh giá báo cáo tiền khả thi đối với 3 dự án cao tốc, đồng thời thảo luận nội dung về trình tự thủ tục, bố trí vốn, cơ chế chính sách đặc thù, phân cấp phân quyền cho các địa phương nơi dự án đi qua.
Theo Bộ GTVT, tổng mức đầu tư cho 3 dự án đường bộ Biên Hòa – Vũng Tàu, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột vừa trình Quốc hội xem xét là 84.463 tỷ đồng. Sau khi cân đối các nguồn vốn, 3 dự án này hiện còn thiếu 18.829 tỷ đồng cần bổ sung kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị báo cáo tại cuộc họp
Nếu được áp dụng cơ chế chỉ định thầu, 3 dự án sẽ tiết kiệm được 1.658 tỷ đồng, nhu cầu bổ sung vốn giảm còn 17.171 tỷ đồng. Bộ GTVT đề nghị được sử dụng nguồn tiền thu được từ nhượng quyền khai thác các đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 để đảm bảo đủ vốn triển khai 3 dự án trên.
Đa số các Bộ, ngành thống nhất cao với báo cáo của Bộ GTVT, tuy nhiên để đảm bảo tiến độ trình Bộ Chính trị, các Bộ, ngành đề nghị Bộ GTVT bổ sung đánh giá hiệu quả kinh tế tài chính- an ninh quốc phòng khi dự án hoàn thành; tiến độ triển khai đúng trình tự thủ tục tách dự án giải phóng mặt bằng đối với dự án nhóm A; thủ tục xin chuyển đổi đất rừng để xây dựng cao tốc; nhượng quyền thu phí đối với cao tốc; phân kỳ dự án thành phần đi qua 2 tỉnh; đánh giá năng lực điều hành dự án thành phần của các địa phương…
Bộ Giao thông Vận tải báo cáo dự án cao tốc tại cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phạm Minh Chính – Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của các địa phương và Bộ, ngành trong lập báo cáo tiền khả thi dự án cao tốc. Để hoàn thiện báo cáo trình Bộ Chính trị, yêu cầu Bộ, ngành các địa phương cố gắng, nỗ lực và quyết tâm hơn nữa trong lập báo cáo khả thi dự án cao tốc. Trong đó, báo cáo trình Bộ Chính trị cần đánh giá làm rõ sự cần thiết dự án cao tốc, cơ sở pháp lý ngắn gọn, làm rõ tính cấp thiết; tại sao phải đầu tư công phải rõ nét. Về phương thức đầu tư cần phân tích rõ cơ cấu vốn, vướng về thủ tục, luật pháp chưa hoàn thiện.
Cùng với đó, Bộ, ngành quan tâm hỗ trợ địa phương một số cơ chế chính sách chuyển đổi đất rừng xây cao tốc, cơ chế chỉ định thầu; thành lập Ban Chỉ đạo để xúc tiến giải phóng mặt bằng; đánh giá tác động môi trường; làm rõ đề xuất nào để trình xin ý kiến Bộ Chính trị.
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT phải dốc toàn lực, tiếp tục đẩy nhanh phương án kết nối với tuyến đường trục dọc để thúc đẩy phát triển kinh tế cho vùng Tây Nguyên; hoàn thiện hồ sơ và tờ trình trình các cấp có thẩm quyền. Riêng đối với Dự án Cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột thống nhất giao Bộ GTVT làm chủ đầu tư dự án đoạn giao giữa 2 tỉnh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến tại cuộc họp
Tham gia ý kiến tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cho biết, đối với Cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đề xuất được làm cơ quan chủ quản tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo giao cho UBND tỉnh làm cơ quan chủ quản các dự án thành phần thuộc địa bàn tỉnh Đắk Lắk (Dự án thành phần 2 từ Km32+00 -:- Km69+500 và Dự án thành phần 3 từ Km69+500 -:- Km117+500). Tuy nhiên, Dự án thành phần 2 có kỹ thuật thi công phức tạp, chủ yếu là cầu lớn và hầm. Vì vậy, đề xuất phương án để Bộ GTVT làm chủ đầu tư ở phần dự án đoạn giao giữa 2 tỉnh.
Với đặc thù của tỉnh còn nhiều khó khăn, cần tập trung nguồn lực để giải quyết vấn đề an sinh xã hội của tỉnh, nhu cầu đầu tư các công trình chuyển tiếp, nhưng khả năng nguồn vốn còn hạn chế, nên trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh cam kết cố gắng cân đối khoảng 1.200 tỷ đồng cho dự án cao tốc.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, thẩm định nội dung trình phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Theo đề xuất, diện tích rừng đề nghị chủ trương chuyển đổi 176,76 ha. Trong đó rừng tự nhiên 60,20 ha; Rừng trồng 116,56 ha.
Vị trí thuộc tiểu khu 813, 817, 818, 820, 821, 819A xã Cư San, huyện M’Drắk; tiểu khu 704 xã Cư Bông, tiểu khu 695, 696, 700, 703 xã Cư ELang huyện Ea Kar; tiểu khu 1165 xã Cư Drăm, tiểu khu 1140, 1141, 1148, 1149, 1153, 1154, 1164 xã Cư Pui, huyện Krông Bông tiểu khu 960 xã Ea Uy, tiểu khu 945 xã Hòa Tiến, tiểu khu 957, 959, 962 xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.
Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5 km. Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Khánh Hòa khoảng 32,7km và đường qua địa phận tỉnh Đắk Lắk khoảng 84,8km. Điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa); điểm cuối giao cắt tại khoảng Km12+450 đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột thuộc địa phận xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk). Tiền đầu tư xây dựng dự kiến lấy nguồn vốn ngân sách nhà nước hoàn thành dự án vào năm 2026. Trong đó, nhu cầu sử dụng vốn trong giai đoạn 2021 – 2025 ước tính khoảng 16.110 tỷ đồng, chuyển tiếp thực hiện trong giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 5.825 tỷ đồng. |