Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức Hội nghị báo cáo khai quật Di chỉ khảo cổ học Thác Hai, lần thứ 3 năm 2024, phát hiện nhiều hiện vật quý, độc đáo và bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh.
Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức Hội nghị báo cáo khai quật Di chỉ khảo cổ học Thác Hai
Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật Di chỉ khảo cổ học Thác Hai (lần thứ 3, năm 2024) đã diễn ra chiều 13/9 tại thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp. Đến dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan và các nhà nghiên cứu.
Di chỉ khảo cổ học Thác Hai đã được Bảo tàng Đắk Lắk và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai quật trong các năm 2021 và 2022, thu được nhiều di vật, hiện vật quý, độc đáo. Bộ “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” đã được công nhận là bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk.
Năm 2024, Bảo tàng Đắk Lắk tiếp tục khai quật đợt 3 từ ngày 26/6 đến 28/7, với diện tích khai quật 20m2. Tại đây, đoàn khai quật đã thu được nhiều di vật như bàn mài, rìu, bôn, chuỗi bằng thủy tinh, mũi khoan và phác vật bằng các loại đá opal, jasper, silic, phtanite.
Mũi khoan được mài trau chuốt và chưa qua sử dụng; đồ gốm đa dạng với nhiều loại hình và kích cỡ khác nhau.
Thác Hai là di chỉ khảo cổ học có tầng văn hóa dày nhất ở Đắk Lắk và Tây Nguyên, thể hiện sự cư trú lâu dài trong hơn 1.000 năm và là công xưởng chế tác mũi khoan bằng đá duy nhất ở Tây Nguyên.
Bảo tàng Đắk Lắk đề xuất các phương án khẩn trương khai quật và thu hồi hiện vật trước nguy cơ di chỉ bị xoá sổ do sạt lở đồng chảy sông Ea H’leo.
Các đại biểu tại Hội nghị đã đóng góp ý kiến cho việc khai quật, bảo tồn và phát huy giá trị của di chỉ, hiện vật và bảo vật quốc gia “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai”.
Mai Sao
Nguồn thông tin được tham khảo từ: baodaklak
Nội dung được biên tập bởi: buonmathuot_.info