Tổng kết Chương trình phối hợp về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành Giáo dục và Đào tạo

Ngày 22/8, tại TP. Buôn Ma Thuột, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Vụ Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp công tác về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 2018-2023.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Những năm qua do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động tiêu cực của sự phát triển kinh tế – xã hội, thiên tai trên thế giới và khu vực đã diễn ra rất phức tạp. Nhiều trận thiên tai diễn ra với quy mô lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, vượt mức lịch sử, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Tại Việt Nam, các khu vực trên cả nước đã phải hứng chịu 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần), gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, tác động xấu đến môi trường sống, sản xuất kinh doanh của người dân. Trong vòng 30 năm gần đây, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm khoảng 300 người thiệt mạng và mất tích, thiệt hại kinh tế 1,0 – 1,5% GDP. Thiên tai ở Việt Nam đang xảy ra ngày một bất thường, cực đoan và trái quy luật. Trẻ em, học sinh là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi thiên tai xảy ra.

Sau 5 năm triển khai, Chương trình công tác phối hợp về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả tại trung ương và địa phương. Mặc dù Chương trình còn những tồn tại, khó khăn trong phối hợp và triển khai cụ thể, song kết quả cho thấy kiến thức và kĩ năng về phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu đã được lan tỏa, tiếp cận đến hàng triệu trẻ em, học sinh, giáo viên và người dân, góp phần vào thực hiện mục tiêu chung của công tác phòng chống thiên tai quốc gia.

Đại biểu tìm hiểu về tài liệu phòng chống thiên tai và Hộp thực phẩm cứu trợ khẩn cấp của Công ty Cổ phần ACECOOK Việt Nam trưng bày tại hội nghị.

Thời gian quan, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tốt. Ý thức trách nhiệm về chủ động phòng chống thiên tai của mỗi người dân được nâng cao. Công tác phòng chống thiên tai của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là thiệt hại về người giảm mạnh qua từng năm. Trước tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra ngày càng phức tạp, khó lường, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng chủ động phòng, chống thiên tai tại các địa phương là rất cần thiết.

Hội nghị là cơ hội để đánh giá những ưu điểm, tồn tại, bài học kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp cụ thể để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai trong ngành Giáo dục và Đào tạo ở các cấp trong giai đoạn tiếp theo.

Advertisement

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thỏa luận về công tác phòng, chống thiên tai trong ngành Giáo dục và Đào tạo; công tác phòng ngừa rủi ro thiên tai liên quan đến nước cho trẻ em; truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai cho trẻ em…; đánh giá lại những ưu điểm, tồn tại, chia sẻ bài học kinh nghiệm, các mô hình hiệu quả từ các địa phương; đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao sự phối hợp, các hoạt động phòng chống thiên tai trong ngành Giáo dục và Đào tạo, trong đó, trọng tâm là trẻ em, học sinh trong giai đoạn tiếp theo.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến đề nghị, thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần chú trọng công tác tăng cường kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh trong kỳ nghỉ hè và mùa mưa lũ; thực hiện lồng ghép một số nội dung phòng, chống thiên tai với một số môn học để đưa vào chương trình giảng dạy; đẩy mạnh, nhân rộng mô hình hoạt động phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai trong nhà trường. Đặc biệt, cần triển khai đưa vào hoạt động ngoại khóa, hoạt động hè với nội dung hướng dẫn kỹ năng phòng, chống thiên tai bằng các hình thức: pano áp phích, trò chơi, các cuộc thi, diễn tập, sự kiện ngoài trời… trong đó, chú trọng các hoạt động cho các em học sinh THPT để lan tỏa tinh thần chủ động phòng, chống thiên tai tới phụ huynh, gia đình và xã hội…

Advertisement

About admin

Check Also

Lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh ứng trực 100% quân số dịp Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh

Trong buổi Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh, lực lượng cảnh sát …