Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022 tăng 35,97% so với cùng kỳ năm trước

Sáng 13/7, tại Kỳ họp thứ Tư, HĐND tỉnh khóa X, các đại biểu đã xem xét, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.

Quang cảnh Kỳ họp

Tại Kỳ họp, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH tiếp tục duy trì và phát triển. Trong đó, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP – giá so sánh 2010) ước thực hiện trên 23.632 tỷ đồng, tăng 7,37% so với cùng kỳ năm 2021. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện trên 13.600 tỷ đồng, tăng 6,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên thị trường ước thực hiện trên 51.138 tỷ đồng, tăng 16,68%. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 4.860 tỷ đồng, bằng 59,28% kế hoạch HĐND tỉnh giao và bằng 72,9% dự toán Trung ương giao, tăng 35,97% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 55,34%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 18,2%…

Các hoạt động văn hóa, thể thao, giải quyết việc làm và an sinh xã hội, giảm nghèo tiếp tục được quan tâm thực hiện, cơ bản ổn định cuộc sống của người dân trên địa bàn. Công tác cải cách hành chính của tỉnh đạt được hiệu quả tích cực, kết quả công bố các chỉ số cải cách hành chính như: PAR Index, PAPI, PCI năm 2021 của tỉnh đều tăng hạng so với năm 2020. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được tăng cường, giữ vững.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà trình bày báo cáo tại Kỳ họp

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2022 còn tồn tại một số hạn chế như: Do ảnh hưởng từ những đợt dịch bùng phát dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua đã làm cho chuỗi cung ứng sản phẩm bị đứt gãy, cùng với giá cả xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao làm tăng chi phí hoạt động và giá thành sản phẩm, gây ảnh hưởng đến đầu tư, sản xuất và thu nhập của người dân, doanh nghiệp; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; giải quyết việc làm chưa đạt kế hoạch đề ra. Các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai còn chậm do Trung ương chậm thông báo kế hoạch vốn từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025…

Tiến hành thẩm tra báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN 6 tháng đầu năm, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế khẳng định, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, giá xăng dầu, vật tư nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao; song cùng với nhiều chính sách của Trung ương, tỉnh Đắk Lắk đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để vừa chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, vừa hỗ trợ cho phục hồi phát triển KT-XH. Đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, kinh tế của tỉnh đang phục hồi và phát triển tích cực; hầu hết các chỉ tiêu được đánh giá đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế trình bày báo cáo thẩm tra tại Kỳ họp

Để tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ trong thời gian tới, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế đề nghị UBND tỉnh tiếp tục linh hoạt, chủ động trong điều hành KT-XH và tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2022. Đồng thời quan tâm xử lý các vướng mắc về đất đai, thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, tập trung tìm giải pháp để giải ngân hết vốn đầu tư công trong kế hoạch được giao, cũng như các nguồn vốn Trung ương bổ sung; triển khai có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển Kt-XH năm 2022; các gói hỗ trợ của Chính phủ về an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện kịp thời và đúng tiến độ vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm hoàn thành đạt mức cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra.

Advertisement

About admin

Check Also

Trộm dầu trên công trình cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, một đối tượng bị bắt

Công an huyện M’Drắk tạm giữ đối tượng Phan Văn Huy về hành vi trộm …