Triển khai kế hoạch quản lý mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu

Sáng 26/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch quản lý, giám sát mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoài Dương đồng chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị

Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2022, diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh ước đạt 15.250 ha, chiếm 35,20% diện tích cây ăn quả, sản lượng ước đạt 156.392 tấn. Đến thời điểm hiện tại, Đắk Lắk đã được Tổng cục Hải Quan Trung Quốc phê duyệt 23 mã số vùng trồng (chiếm 45% mã số vùng trồng được phê duyệt của cả nước) với diện tích khoảng 1.500 ha và 4 mã cơ sở đóng gói sầu riêng (chiếm 17,3% mã cơ sở đóng gói của cả nước). Ngoài ra, Đắk Lắk còn 15 mã số vùng trồng, với diện tích hơn 680 ha đang chờ phê duyệt. Theo thống kê sơ bộ đến ngày 24/10/2022, tổng sản lượng sầu riêng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt 5.000 tấn, dự kiến đến hết vụ xuất khẩu khoảng 6.000 tấn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại và hạn chế cần phải được chẩn chỉnh kịp thời để chuỗi xuất khẩu được bền vững hơn tránh việc lợi dụng các mã số vùng trồng nhằm xuất khẩu các sản phẩm không đảm bảo.

Hội nghị đã tiến hành góp ý, thảo luận dự thảo Kế hoạch triển khai công tác thiết lập quản lý, giám sát, phát triển mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói xuất khẩu trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng của tỉnh theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, góp phần để hoạt động xuất khẩu sầu riêng chính ngạch đi vào thực chất và hiệu quả hơn.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy chia sẻ kinh nghiệm làm sầu riêng để xuất khẩu

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến liên quan đến những quy định, vướng mắc trong quá trình thiết lập, sử dụng và quản lý mã số vùng trồng; những khó khăn trong liên kết sản xuất giữa hộ dân và doanh nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm làm sầu riêng để xuất khẩu, kinh nghiệm về công tác hỗ trợ, phát triển hình thành liên kết chuỗi. Các đại biểu cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trên cây sầu riêng; các đơn vị cung cấp các dịch vụ, vật tư nông nghiệp uy tín…

Advertisement

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh, để bảo vệ những thành quả đã đạt được và phát huy lợi thế sản xuất, xuất khẩu sầu riêng, trong thời gian tới, cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp xuất khẩu với phương châm “đi cùng nhau” để cùng chung sức xây dựng thương hiệu uy tín, tạo nên một thị trường xuất khẩu bền vững đối với sản phẩm sầu riêng.

Đại diện Hợp tác xã Tân Lập Đông (huyện Krông Búk) thảo luận tại hội nghị

Các vùng trồng, cơ sở đóng gói cần tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác; triển khai thật tốt việc tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hóa quy trình sản xuất. Ngoài ra, đi đôi với việc tiếp tục xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và truy xuất nguồn gốc, cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm quá trình sản xuất và xuất khẩu; cần tiếp tục tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp chất lượng, an toàn, minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp đa giá trị, an toàn, bền vững, hiệu quả cả về KT-XH và bảo vệ môi trường…

Advertisement

About admin

Check Also

Xe máy va chạm với ô tô tải: Hai vợ chồng tử vong tại chỗ

Vào sáng ngày 7/9, một vụ tai nạn giao thông trên Tỉnh lộ 5 đã …