UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của UBND tỉnh Phú Yên

Chiều 12/1, đoàn công tác của UBND tỉnh Phú Yên do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành hữu quan.

Quang cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai tỉnh đã tiến hành trao đổi về việc đề xuất cấp có thẩm quyền liên quan quy hoạch, chủ trương và định hướng triển khai đầu tư Tuyến đường sắt Tuy Hòa – Buôn Ma Thuột và Tuyến đường bộ cao tốc Phú Yên – Đắk Lắk. Đây là hai phương thức vận tải và là trục đường chiến lược kết nối Đông – Tây, kết nối “Rừng” với “Biển”, kết nối đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung… mở ra phương thức vận chuyển khối lượng lớn, có giá cước vận chuyển thấp, năng suất cao, tăng khả năng liên kết vùng, kết nối giao thông đa phương thức, thuận lợi. Từ đó nâng cao năng lực thông hành, giảm chi phí logictis, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu các mặt hàng chủ lực trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của hai tỉnh nói riêng và khu vực Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung nói chung.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ (giữa) phát biểu tại buổi làm việc.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 10/9/2009 và Quyết định số 1468/QĐ-TTg, ngày 24/8/2015, Tuyến đường sắt Tuy Hòa – Buôn Ma Thuột có điểm đầu nối với đường sắt thống nhất Bắc – Nam tại Km1209+350 (Ga Phú Hiệp mới) thuộc thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên; điểm cuối nối với đường sắt khu vực Tây Nguyên tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tuyến có tổng chiều dài khoảng 169 km, giai đoạn đầu tư từ năm 2020-2030 và sau năm 2030.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021, Tuyến đường bộ cao tốc Phú Yên – Đắk Lắk có điểm đầu tại Cảng Bãi Gốc, tỉnh Phú Yên, điểm cuối tại khu vực cửa khẩu Đắk Ruê, tỉnh Đắk Lắk. Tuyến có tổng chiều dài khoảng 220 km, quy mô đầu tư 2-4 làn xe, kết nối với các trục giao thông trọng yếu của quốc gia và đi qua Khu kinh tế Nam Phú Yên, dọc theo hệ thống cảng cạn trên hành lang vận tải Quốc lộ 29, kết nối cửa khẩu, cảng biển, sân bay, đường sắt.

Advertisement

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh (giữa) phát biểu tại buổi làm việc.

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có của hai tỉnh và tầm quan trọng trong việc kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, đồng thời để đảm bảo triển khai thực hiện theo đúng chủ trương, tinh thần của Bộ Chính trị, Chính phủ, qua trao đổi ý kiến tại buổi làm việc, lãnh đạo hai tỉnh đã thống nhất đồng kính trình Bộ Giao thông vận tải quan tâm, xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép cập nhật, bổ sung quy hoạch Tuyến đường sắt Tuy Hòa – Buôn Ma Thuột vào Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và sớm triển khai thực hiện đầu tư Tuyến đường bộ cao tốc Phú Yên – Đắk Lắk (trước năm 2030); tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp tuyến Quốc lộ 29.

Bên cạnh đó, lãnh đạo hai tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan chủ động, tích cực phối hợp, sớm hoàn thiện các văn bản để trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải trong thời gian tới.

Advertisement

About admin

Check Also

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh các vụ án tham nhũng, tiêu cực

Hội nghị trực tuyến Sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, …