Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội khảo sát công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại huyện Cư M’gar

Sáng 11/8, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Văn Hạ làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em” tại huyện Cư M’gar.

Quang cảnh buổi làm việc

Thời gian qua, huyện Cư M’gar đã triển khai các dự án về chăm sóc, bảo vệ trẻ em như: Dự án phòng chống đuối nước, Dự án Tăng cường năng lực và thúc đẩy thực hành bảo vệ trẻ em trong sản xuất cà phê….; triển khai nhiều giải pháp kiểm soát, giảm đuối nước trẻ em, tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Địa phương cũng đẩy mạnh phát động phong trào học bơi, dạy bơi trên địa bàn. Trong 3 năm qua, đã tổ chức được trên 150 lớp dạy bơi miễn phí tại 5 xã, thị trấn với số lượng trên 2.000 trẻ em tham gia.

Tuy nhiên, thời gian qua trẻ em đuối nước, tai nạn thương tích vẫn xảy ra tại địa phương ở mức cao. Từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2022, huyện Cư M’gar có 1.555 trẻ em bị tai nạn thương tích. Số trẻ em tử vong là 42 em, trong đó, chủ yếu các em tử vong do đuối nước (36 em).

Tiến hành khảo sát thực tế tại Hồ bơi Hoà Phát, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trẻ em bị tai nạn, thương tích và tử vong do tai nạn thương tích là do nhận thức, kỹ năng của trẻ em còn chưa đầy đủ, thiếu ý thức phòng ngừa; phần lớn tai nạn thương tích xảy ra bất ngờ do người lớn chủ quan, thiếu cẩn trọng, thiếu giám sát trong khi trẻ em còn non nớt về nhận thức, yếu đuối về thể chất, khiến rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn cao hơn…

Riêng đối với đuối nước, do địa bàn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, người dân múc đất làm các ao hồ thủy lợi để tích trữ nước tưới cây, mặt khác, trong quá trình thi công đường giao thông, xây dựng cơ bản cũng để lại nhiều hố sâu nguy hiểm, mùa mưa nước đọng, gây tử vong cho trẻ em khi té ngã hoặc tắm…

Tại buổi làm việc, huyện Cư M’gar đã nêu một số khó khăn trong phòng, chống đuối nước như: thiếu cán bộ phụ trách trẻ em, việc tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ này cũng chưa thường xuyên; việc phổ cập bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước chưa được tổ chức sâu rộng do thiếu nguồn giáo viên dạy bơi và thiếu thiết bị ở cơ sở; nguồn lực kinh phí còn hạn chế; công tác tuyên truyền chưa thật sự sâu rộng…

Advertisement

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ đánh giá cao sự nỗ lực của địa phương trong công tác thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng chống tai nạn thương tích nói chung và phòng, chống đuối nước nói riêng, cũng như hiệu quả của công tác xã hội hoá trong việc phòng, chống đuối nước, dạy bơi cho trẻ em. Đồng thời đề nghị, huyện Cư M’gar cần có giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ cấp cơ sở và người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong phòng, chống đuối nước; tiếp tục nâng cấp hệ thống biển báo, pano, áp phích… về phòng chống đuối nước; trang bị kỹ năng chống đuối nước cho trẻ em; tăng cường kiểm tra, giám sát trong phòng, chống đuối nước. Đồng thời, quan tâm bố trí kinh phí, tăng cường thu hút nguồn lực xã hội hoá, đảm bảo thực hiện hoạt động phòng, chống đuối nước hiệu quả.

Trước đó, đoàn công tác đã tiến hành khảo sát thực tế 2 công trình có cảnh báo phòng, chống đuối nước, được đặt tại cầu Tài (thị trấn Quảng Phú), Đập Buôn Joong (xã Ea Kpam) và Hồ bơi Hoà Phát, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar.

Advertisement

About admin

Check Also

Đi không đúng phần đường: Nguy cơ tai nạn chực chờ

Hành vi lấn làn, lấn phần đường khi tham gia giao thông nguy hiểm và …