Xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam “Sáng tạo – Bản sắc – Độc đáo – Chuyên nghiệp – Cạnh tranh”

Đây là một trong những nội dung chỉ đạo của đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam” diễn ra vào sáng 22/12. Tham dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh UBND tỉnh Đắk Lắk có đồng chí H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Đắk Lắk

Ngày 08/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Mục tiêu đến năm 2030, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.

Công nghiệp văn hóa bao gồm các lĩnh vực điện ảnh, du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, kiến trúc, thiết kế, xuất bản, thời trang, phát thanh, truyền hình, phần mềm, các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ… Trong giai đoạn 2018 – 2022, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời chỉ đạo và phê duyệt các kế hoạch, đề án, quy hoạch liên quan đến phát triển 12 ngành công nghiệp văn hóa; bước đầu đã tạo cơ sở pháp lý, điều kiện cho đầu tư, phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế.

Ảnh minh họa: Nguồn dangcongsan.vn

Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp đáng kể vào nền kinh tế, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa ước bình quân đạt gần 1,06 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD); bình quân 05 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa ước đạt 7,2%/năm.

Tuy nhiên, công nghiệp văn hóa chưa có khung pháp lý, cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp để phát triển; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp còn thiếu đồng bộ; nguồn lực đầu tư còn dàn trải; nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp văn hóa chưa tập trung khai thác các giá trị truyền thống, văn hóa bản địa; sức sáng tạo chưa được phát huy hết…

Hội nghị tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam như: có cơ chế quản lý cụ thể đối với lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ; xây dựng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa của Việt Nam đậm đà giá trị bản sắc văn hóa dân tộc; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa…

Advertisement

Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo hội nghị (Ảnh chụp từ màm hình)

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam anh hùng, mến khách, yêu quý bạn bè, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới, giá trị gia tăng đóng góp cho nền kinh tế, thể hiện là nhóm ngành có lợi thế quốc gia của Việt Nam, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Đây là nhóm ngành có giá trị hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu tăng khá nhanh trong thời gian gần đây. Do đó, để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam “Sáng tạo – Bản sắc – Độc đáo – Chuyên nghiệp – Cạnh tranh”, trên nền tảng văn hóa “Dân tộc – Khoa học – Đại chúng” của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.

Advertisement

About admin

Check Also

Va chạm giao thông trên Quốc lộ 27: Hai người tử vong tại chỗ

Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên Quốc lộ 27 khiến hai người …