Sáng 6/7, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Dự và chỉ đạo tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Phạm Thị Thanh Trà – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Các đại biểu tham dự hội nghị điểm cầu Đắk Lắk
Tại điểm cầu Đắk Lắk có đồng chí Bạch Văn Mạnh, Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì hội nghị.
6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Nội vụ đã tập trung rà soát, nghiên cứu, tham mưu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, định hướng theo Nghị quyết XIII của Đảng nhằm hoàn thiện hệ thống thể chế.
Trọng tâm là việc tham mưu, đề xuất giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, xử lý những vấn đề quan trọng, cấp bách để khắc phục những tồn tại, bất cập trong tổ chức triển khai thực hiện. Công tác xây dựng chính quyền địa phương được chú trọng, tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, quy trình và tiến độ theo kế hoạch.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì điểm cầu Hà Nội
Công tác cải cách hành chính được triển khai quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Công tác cải cách hành chính được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, tập trung đẩy mạnh thực hiện ngay.
Theo đó, công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương được triển khai đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực; 100% các cơ quan hành chính đã tiếp nhận, xử lý văn bản trên môi trường điện tử; đẩy mạnh việc áp dụng công cụ theo dõi, đánh giá cải cách hành chính phục vụ kịp thời công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành các cấp và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê đến quý II/2022, số dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 đạt 86%, tăng mạnh so với năm 2020 (năm 2020 chỉ số này chỉ đạt 30%).
Đại biểu tham luận điểm cầu Hà Nội
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: tiến độ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đề án còn chậm chưa đảm bảo đúng kế hoạch. Việc quản lý, sử dụng, giao biên chế có địa phương còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, còn tình trạng giao cao hơn số biên chế được Trung ương phân bổ.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà – Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh: 6 tháng qua cùng với cả nước toàn ngành vượt qua khó khăn, cơ bản hoàn thành toàn diện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2022. Toàn ngành đã nỗ lực, đổi mới, linh hoạt và trách nhiệm tạo ra được những chuyển biến rất quan trọng tích cực trên các lĩnh vực của ngành, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của đất nước.
Bộ Nội vụ thảo luận tại Hội nghị
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước một cách toàn diện, tạo sự chuyển biến rõ nét của ngành Nội vụ cả nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị hội nghị cần phân tích làm rõ một số nhiệm vụ trọng tâm: đánh giá khách quan đầy đủ, toàn diện về kết quả đạt được cũng như khó khăn vướng mắc và làm rõ nguyên nhân, đề xuất bổ sung những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.
Đề xuất những nhiệm vụ giải pháp thiết thực cụ thể, nhằm hoàn thành toàn diện những mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2022. Từ thực tiễn địa phương, bộ, ngành phản ánh những khó khăn, vướng mắc, để đề xuất những giải pháp tham mưu nhằm nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước của ngành Nội vụ.
Về nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà đề nghị toàn ngành tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực Nội vụ. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách khi dự kiến đưa vào cuộc sống để bảo đảm tính khả thi. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ, thống nhất về thể chế.
Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng giảm đầu mối, giảm khâu trung gian gắn với hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính của Quốc gia và từng địa phương (đến đơn vị hành chính cấp xã) phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Tập trung xử lý những bất cập phát sinh trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021.
Cùng đó, tiếp tục đẩy nhanh lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy nhanh số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ (đạt 90% trở lên) đề ra, tiết giảm chi phí xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Xây dựng và hoàn thiện quy định của pháp luật về văn thư – lưu trữ; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính,…