Chiều 24/12, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020. Đồng chí Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì Hội nghị.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có đồng chí Phạm Minh Tấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; H’Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các đơn vị liên quan.
Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, giai đoạn 2012 – 2020, các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, quán triệt Nghị quyết số 21-NQ/TW. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết được ban hành kịp thời, nội dung tuyên truyền đảm bảo đúng định hướng, bám sát tinh thần Nghị quyết. Qua đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân đã nhận thức rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng của BHYT, BHXH. Hệ thống chính sách, pháp luật BHYT, BHXH tiếp tục được hoàn thiện theo hướng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Chất lượng dịch vụ BHXH, BHYT ngày càng được nâng cao. Chính sách BHYT từng bước khẳng định, phát huy vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; bảo đảm cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hướng đến cải thiện chất lượng sức khỏe người dân và cộng đồng; giảm bớt gánh nặng tài chính khi sử dụng dịch vụ y tế và giảm nguy cơ đói nghèo, đặc biệt đối với, người nghèo, người cận nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến (ảnh chụp màn hình).
Đến 31/12/2020, số người tham gia BHXH cả nước là hơn 16 triệu người, đạt khoảng 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng hơn 5,6 triệu người so với năm 2012; trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là hơn 15 triệu người, BHXH tự nguyện là hơn 1,1 triệu người. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là hơn 13,3 triệu người, tăng trên 5 triệu người so với năm 2012, đạt 27% lực lượng lao động. Số đối tượng tham gia năm sau đều cao hơn năm trước. Tuy nhiên, mục tiêu theo Nghị quyết số 21-NQ/TW chưa đạt được và có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương, các vùng trong cả nước.
Đối tượng tham gia BHYT tăng giai đoạn 2012 – 2020 tăng gần 29 triệu người. Đến hết năm 2020 đã có khoảng 88 triệu người tham gia BHYT, chiếm 90,97% dân số. Qua đó, đã cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn theo Nghị quyết 21-NQ/TW. Tuy nhiên, trong từng nhóm đối tượng vẫn còn một số khó khăn để tiếp tục mở rộng độ bao phủ và vẫn còn gần 10% dân số chưa tham gia BHYT. Tỷ lệ người dân được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT vẫn ở mức cao, với trên 51 triệu người, chiếm 58% tổng số đối tượng.
Đồng chí Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương kết luận Hội nghị (ảnh chụp màn hình).
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, đời sống của người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 công tác an sinh xã hội được Đảng, nhà nước đặc biệt quan tâm; trong đó, BHXH, BHYT là 02 chính sách lớn, là trụ cột an sinh xã hội của đất nước. Đồng chí đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác BHXH, BHYT theo phương hướng, nhiệm vụ đề ra tại chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Cụ thể, thực hiện BHYT toàn dân, phấn đấu tỷ lệ tham gia BHYT trên 95% dân số; đa dạng mức đóng và mức hưởng; hoàn thiện hệ thống luật pháp về BHXH, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng hiện đại, hội nhập quốc tế, kết hợp hài hòa nguyên tắc đóng góp và thụ hưởng; công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững….