Bộ Chính trị vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) giai đoạn 2012-2022.
Các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC; Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Phạm Minh Chính – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Thưởng- Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC; Phan Đình Trạc – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC đồng chủ trì hội nghị.
Các đồng chí lãnh đạo đồng chủ trì hội nghị. (Ảnh:baochinhphu.vn)
Tham dự hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; thành viên Ban Chỉ đạo PCTNTC; lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với gần 500 đại biểu dự họp trực tiếp và hơn 80.000 đại biểu dự họp trực tuyến tại hơn 4.000 điểm cầu trong cả nước.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có các đồng chí: Phạm Minh Tấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phạm Ngọc Nghị – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các thành viên trong Ban Chỉ đạo PCTNTC của tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh chụp qua màn hình).
Hội nghị Trung ương 5, khóa XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban, nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ, rõ rệt trong công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi toàn quốc. Sau 10 năm, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành; sự đồng hành, hưởng ứng và tham gia tích cực của Nhân dân và báo chí, công tác PCTNTC có một bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên (tăng 16.100 đảng viên so với 10 năm trước), trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 4 ủy viên và nguyên ủy viên Bộ Chính trị, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; kiến nghị xử lý hơn 2.000 văn bản pháp luật có sơ hở, bất cập.
Các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra hơn 19.500 vụ án, gần 33.900 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó có gần 2.700 vụ án và hơn 5.800 bị can về tội tham nhũng. Riêng Ban Chỉ đạo, từ khi thành lập đến nay, đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực; cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã dành nhiều thời gian để tham luận, trao đổi về những kinh nghiệm, bài học trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện về PCTNTC thời gian qua; đồng thời đề xuất, kiến nghị một số giải pháp trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, công tác PCTNTC được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, được cán bộ, đảng viên, Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận. Kết quả đạt được trong công tác PCTNTC thời gian qua đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng và Nhà nước về PCTNTC, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Phát huy những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm trong thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu trong thời gian tới cần phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục đẩy mạnh nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, tạo sự tự giác, thống nhất cao về mặt nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về PCTNTC, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, cần kịp thời xử lý, thay thế cán bộ, lãnh đạo, quản lý có biểu hiện nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gay phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ bảo đảm thật sự liêm chính, trong sạch, nâng cao nâng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng; từng bước mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; mở rộng nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…