Đắk Lắk chuẩn bị sẵn sàng xuất khẩu thí điểm chanh leo chính ngạch sang Trung Quốc

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang hoàn tất thủ tục, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chuẩn bị điều kiện cần thiết cho xuất khẩu chanh leo sang thị trường Trung Quốc.

Thống kê của ngành Nông nghiệp, diện tích chanh leo toàn tỉnh hiện có là 1.055 ha, trong đó: diện tích trồng mới 171 ha, diện tích cho sản phẩm 884 ha, năng suất trên diện tích cho sản phẩm 159,11 tạ/ha, sản lượng thu hoạch 14.703 tấn.

Chanh leo tăng về diện tích, trồng xen canh trong vườn cây – Ảnh : P. L

Chanh leo được trồng tập trung ở các huyện như: Krông Năng 521 ha, Ea H’leo 252 ha, Krông Búk 108 ha, Ea Kar 47 ha, Buôn Đôn 44 ha, M’Đrắk 18,6 ha, Krông Ana 23 ha, Krông Pắk 70 ha, Buôn hồ 50 ha….

Giống cây chanh leo hiện có trên địa bàn: Chanh leo Đài nông 1 (LPH04) được nhập khẩu từ Đài Loan. Một số doanh nghiệp nhập khẩu và cung ứng giống như: Công ty TNHH Chanh dây Quốc Tế; Công ty CP Quốc Tế Thông Đỏ; Công ty TNHH TM DV Trường Hoàng.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho hay, hiện nay thị trường tiêu thụ chanh leo chủ yếu là thị trường nội địa, chưa có trong danh mục xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Do vậy, trong thời gian qua Chi cục Trồng trọt và BVTV đang tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT tập trung hướng dẫn hướng dẫn các doanh nghiệp, vùng trồng và cơ sở đóng gói triển khai công tác thiết lập mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để chuẩn bi sẵn sàng cho công tác xuất khẩu chính ngạch chanh leo khi Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc được ký kết.

Sau khi có Nghị định thư cho thí điểm xuất khẩu quả chanh leo tươi sang Trung Quốc thì cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người dân đang tất bật hoàn thiện các thủ tục.

Theo ông Vũ Đức Côn, một trong những tiêu chuẩn xuất khẩu vào Trung Quốc là xây dựng mã số vùng trồng cũng như mã số cơ sở đóng gói. Không chỉ đến bây giờ mà trước đây khi Luật Trồng trọt ra đời, ngành nông nghiệp Đăk Lăk đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, tập huấn để bà con nông dân nhận thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.

“Sau khi Trung Quốc ký nghị định thư cho phép quả chanh leo xuất khẩu chính ngạch thì việc này cần phải tiến hành mạnh mẽ hơn. Sở sẽ tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho người sản xuất, người thu mua nắm bắt được các quy định cụ thể của Nghị định thư”, ông Côn nói.

Hai tiêu chí quan trọng là tồn dư thuốc BVTV cũng như các loại dịch hại trên quả chanh leo. Trung Quốc kiểm tra chặt chẽ hai tiêu chí này ngay cả sau khi quả chanh leo đã vào nội địa. Do đó, để quả chanh leo tươi xuất khẩu bền vững thì người dân, doanh nghiệp cần tuân thủ đúng các tiêu chuẩn mà Trung Quốc đưa ra. Nghị định thư cho phép nhập khẩu mới là điều kiện cần, còn lại điều kiện đủ là phải sản xuất đảm bảo chất lượng. Việc này phải làm đồng bộ từ khâu sản xuất, thu mua, chế biến- Ông Côn nhấn mạnh.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, chanh leo đang được trồng tại 46 tỉnh, thành phố với diện tích khoảng 6.000 ha với sản lượng 300.000-400.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên… Việt Nam có bộ chanh leo tương đối phương phú. Nếu thâm canh tốt, chanh leo có thể cho thu hoạch 3 vụ/năm.

Tại hội nghị Công bố xuất khẩu thí điểm chanh leo chính ngạch sang Trung Quốc và tập huấn các quy định liên quan, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thí điểm quả chanh leo Việt Nam bắt đầu từ tháng 7/2022. Chanh leo là quả thứ mười của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, cùng với các loại quả: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.

Advertisement

Ngoài các yêu cầu về kiểm dịch thực vật trước xuất khẩu, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị các vùng trồng và cơ sở đóng gói chanh leo phải được đăng ký và phê duyệt bởi Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Cục Bảo vệ thực vật, thực hành nông nghiệp tốt, ghi chép và lưu trữ hồ sơ, giám sát sinh vật gây hại và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn vệ sinh phòng chống dịch COVID-19… Đặc biệt, cán bộ kỹ thuật phải được đào tạo để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói.

Để đảm bảo thực hiện đầy đủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với chanh leo xuất khẩu sang Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Cục Bảo vệ thực vật sẽ thống nhất cấp mã số các vùng trồng và cơ sở đóng gói đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Cục Bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn ngay các quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm; hướng dẫn thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chanh leo xuất khẩu… cho các đơn vị liên quan.

Căn cứ vào kết quả xuất khẩu thí điểm, hai bên sẽ tiến hành đánh giá tình hình nhập khẩu quả chanh leo của Việt Nam để làm cơ sở cho các bước tiếp theo, tiến tới ký kết Nghị định thư chính thức về kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc, góp phần phát triển thương mại giữa hai nước.

Chanh leo ngoài ăn tươi, các sản phẩm chế biến từ chanh leo cũng được người tiêu dùng các thị trường ưa chuộng. Châu Âu đang là đối tác lớn nhất nhập khẩu chanh leo của Việt Nam. Tiếp theo thị trường Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi hồ sơ để mở cửa quả chanh leo sang thị trường Australia và Mỹ.

Advertisement

About admin

Check Also

Tủ sách pháp luật ở vùng biên

Mô hình “Tủ sách pháp luật” tại Đồn Biên phòng Ia Rvê đã góp phần …