Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập 1.147 công nghệ số cộng đồng với 7.121 thành viên. Mục tiêu tỉnh hướng tới là đào tạo “công dân số” đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và thúc đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số.
Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk đã có cuộc phỏng vấn với ông Trương Hoài Anh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông xoay quanh nội dung này.
Biên tập viên: Thưa ông, triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đến nay tiến độ thành lập và vận hành các Tổ công nghệ số cộng đồng toàn tỉnh như thế nào ?
Ông Trương Hoài Anh :Triển khai Công văn số 793/BTTTT-THH ngày 05/3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương. Sở TT&TT đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 157/KH-UBND ngày 12/8/2022 triển khai thí điểm Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Ông Trương Hoài Anh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu tại lớp tập huấn trực tuyến cho Tổ công nghệ số cộng đồng
Đến thời điểm hiện tại đã có 13/15 địa phương (cấp huyện) đã ban hành văn bản triển khai Tổ CNSCĐ (Riêng huyện Buôn Đôn, huyện M’Drắk đang dự thảo văn bản), với tổng số 1.147 tổ cộng nghệ số cộng đồng gồm 7.121 thành viên.
Đồng thời, Sở TT&TT đã ban hành kế hoạch số 23/KH-STTTT ngày 14/6/2022 thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2022, xây dựng cụ thể lộ trình chuyển đổi số tại 02 xã được UBND tỉnh chọn làm thí điểm: Xã Hòa Phú của TP. Buôn Ma Thuột và xã Phú Lộc của huyện Krông Năng.
Đến thời điểm hiện tại 02 xã thí điểm này đã thành lập 15 Tổ công nghệ số cộng đồng trên 15 thôn, buôn, tổ dân phố đạt 100% (Xã Hòa Phú 15 Tổ công nghệ cộng đồng với 77 thành viên; Xã Phú Lộc 15 Tổ công nghệ cộng đồng trên 15 thôn buôn với 94 thành viên).
Nhân viên Viettel Đắk Lắk hỗ trợ Tổ công nghệ số cộng đồng tại Xã Hòa Phú- TP. Buôn Ma Thuột
Ngoài ra, vào ngày 19/9/2022 Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) tổ chức Hội nghị trực tuyến bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số cho Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh năm 2022 cho thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng tại các thôn, buôn trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng số, từ đó phát huy vai trò, hiệu quả của các Tổ công nghệ số cộng đồng, để Tổ công nghệ số cộng đồng là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã, mục tiêu đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với mọi người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Tại buổi tập huấn này, Sở đã phối hợp với VNPT và Trung tâm Công nghệ và Cổng thông tin điện tử tỉnh; Kết nối trực tuyến tới 125 điểm cầu cấp xã và 15 điểm cầu cấp huyện, tập huấn kỹ năng số cho 7.121 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng.
Biên tập viên: Thời gian tới, Sở TT&TT cùng với Tổ Công nghệ số cộng đồng triển khai tập trung nội dung gì góp phần đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân, thưa ông,?
Ông Trương Hoài Anh : Sở TT&TT tích cực phối hợp với địa phương tuyên truyền cho người dân hiểu được giá trị và lợi ích của chuyển đổi số mang lại, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng từ người dân để chuyển đổi số đi vào cuộc sống, từng bước tạo nên cộng đồng số.
Thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, buôn, tổ dân phố nhằm huy động sức mạnh toàn dân, là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các cấp để triển khai thực hiện các nhiệm vụ nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân.
Có thể nói Chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, Sở TT&TT sẽ kết nối với doanh nghiệp công nghệ hướng dẫn Tổ công nghệ số cộng đồng đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân, tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Cùng với đó, các Tổ Công nghệ số cộng đồng sẽ được trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; bảo mật thông tin cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng;
Mục tiêu hướng tới, chính quyền cơ sở chủ động triển khai kết nối tổ công nghệ số cộng đồng tăng cường tương tác giữa người dân; hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ tiện ích, thuận lợi nhất nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an toàn, an ninh trật tự và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Biên tập viên: Để phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng, tỉnh Đắk Lắk tập trung thực hiện các giải pháp gì nhằm đưa “ứng dụng số” đến với người dân, sử dụng hiệu quả vào đời sống?
Ông Trương Hoài Anh :Tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ chính như sau:
Một là: Thực hiện theo sự hướng dẫn, điều phối chung của Sở Thông tin và Truyền thông, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tại địa bàn trong việc hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân.
Hai là: Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, buôn, tổ dân phố là cầu nối của chính quyền địa phương để thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về công tác chuyển đổi số đến người dân.
Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng – Cục Chuyển đổi số Quốc gia khảo tại xã Hòa Phú
Ba là: Trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; hướng dẫn các nội dung cơ bản về an toàn, an ninh thông tin; bảo mật thông tin tài khoản cá nhân, phòng chống lừa đảo trên nền tảng thanh toán trực tuyến; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội, từ đó cùng chính quyền địa phương xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại thôn, buôn, tổ dân phố.
Sở tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực về chuyển đổi số cho các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng; phổ biến khóa học “Phổ cập kỹ năng số cộng đồng” trên Nền tảng học trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông (https://onetouch.mic.gov.vn/pho-cap-ky-nang-so/) đến các thành viên trong tổ, người dân để sử dụng và coi đây là tài liệu chính thức trong hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng; in các tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng từng ứng dụng số thông qua các áp phích hoặc tờ rơi để các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp người dân cài đặt, sử dụng.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với đài truyền thanh cấp huyện, xã phát sóng các tài liệu hướng dẫn cài đặt, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng số để tuyên truyền phổ biến hướng dẫn gián tiếp đến người dân cài đặt và sử dụng.
Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các ngân hàng, nhà mạng nâng cao các ứng dụng liên quan như QR code, mobile money, chữ ký số…; phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông tập trung hoàn thiện hạ tầng thông tin, phấn đấu năm 2023 xây dựng mạng internet cáp quang đến 100% hộ gia đình.
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hệ thống nền tảng số; xây dựng, phát triển nền tảng ứng dụng (App) trên thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng tiện lợi trong giao dịch với chính quyền và tra cứu thông tin…
Không chỉ vậy, để phát huy được vai trò của Tổ công nghệ cộng đồng đòi hỏi Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện các nhiệm vụ được giao như nội dung Công văn số 7535/UBND-KGVX ngày 07/9/2022 của UBND tỉnh.
Đặc biệt, Thành viên các Tổ công nghệ số cộng đồng tích cực nghiên cứu, cài đặt, tham gia sử dụng các nền tảng số, để làm cơ sở tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân về chuyển đổi số, nội dung nào chưa rõ, chưa hiểu thì liên hệ các đầu mối nền tảng số để được hỗ trợ giải đáp,…
Xin cám ơn ông !