Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam có nhiều khởi sắc, khi giá cà phê thế giới tăng trở lại và nhu cầu tiêu thụ cà phê tăng cao.
Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, chỉ sau Brazil. Tuy nhiên trong năm nay, nguồn cà phê của nước này giảm do yếu tố thời tiết.
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam có nhiều khởi sắc, khi giá cà phê thế giới tăng trở lại và nhu cầu tiêu thụ cà phê cũng tăng cao, nhờ các nền kinh tế lớn phục hồi sau đại dịch.
Thị trường cà phê được mở rộng với nhiều mặt hàng đa dạng. Đây chính là triển vọng để gia tăng xuất khẩu của ngành cà phê Việt Nam.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,2 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân đạt mức 2.283 USD/tấn, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong những tháng cuối năm, thị trường thế giới tiếp tục gia tăng thu mua cà phê, do nguồn cung khan hiếm và tồn kho thấp, cũng như những lo ngại về thời tiết ảnh hưởng đến vụ mùa tới. Châu Âu hiện đang là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam.
Được biết, một trong những nguyên nhân giúp xuất khẩu cà phê tăng trưởng tích cực đó là ngành hàng này đã chú trọng vào tăng tỷ trọng xuất khẩu cà phê qua chế biến, thay vì đa phần là xuất thô như trước.
Xem thêm: Xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt hơn 3 tỷ USD
Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, chỉ sau Brazil. (Ảnh: TTXVN)
Tăng cường chế biến sâu nâng cao giá trị cà phê
Thời điểm này, Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch cà phê. Trong những tháng cuối năm, giá cà phê được dự báo sẽ tiếp tục đi lên. Việc doanh nghiệp xuất khẩu gia tăng các sản phẩm cà phê chế biến sâu, được cho là động lực chính giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc và có thể đạt được mục tiêu đặt ra trong năm nay.
Cà phê từ lúc thu hoạch xong đến khi đưa vào nhà máy phải qua rất nhiều công đoạn kiểm tra khắt khe về chất lượng. Từng chi tiết trong lúc rang, dù là nhỏ nhất đều phải ghi chép lại cẩn thận; đặc biệt dù có máy móc hiện đại, nhưng để sản phẩm cà phê chế biến sâu đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu, những kỹ thuật viên được đào tạo chuyên sâu phải liên tục ngửi và nếm cà phê.
“Máy móc không thể nào đánh giá cảm quan chất lượng của cà phê được. Không phải mẻ nào cũng giống như mẻ nào, có những loại cà phê nó khác nhau thì bắt buộc dùng cảm quan của con người“, anh Lê Đức Mạnh, kỹ thuật viên rang xay cà phê, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9, Đắk Lắk, cho biết.
Khi đi vào chế biến sâu, ngoài tăng cường liên kết với nông hộ, các đơn vị sản xuất cà phê Việt Nam đã nỗ lực để đạt các chứng nhận như: rainforest, 4C, cà phê cảnh quan, cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ…
“Đối với thị trường khó tính, chúng tôi sẽ chú trọng đến vấn đề đảm bảo chất lượng ổn định, thứ 2 là không ngừng nâng cao giá trị gia tăng của mặt hàng cà phê, để làm sao khi cà phê đến tay người tiêu dùng thì nó sẽ mang thương hiệu của Việt Nam“, ông Phạm Văn Chung, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9, Đắk Lắk, cho hay.
Tuy nhiên, lâu nay doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu cà phê chế biến sâu chủ yếu cho các thị trường như Trung Quốc, Nga, Trung Đông, còn đối với thị trường lớn và đầy tiềm năng như châu Âu, vẫn đang còn không ít thách thức.
“Các doanh nghiệp có chế biến sâu cà phê phải tìm cách kết nối với khách hàng và hệ thống phân phối ở thị trường châu Âu để có thể len lỏi được. Cái đó phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực của doanh nghiệp“, ông Phạm Văn Chung, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9, Đắk Lắk, nhận định.
Giá bán 1 kg cà phê rang xay có thể cao gấp 2 – 3 lần so với 1 kg cà phê nhân xanh, lợi nhuận có thể tăng từ 20 – 30%.
Nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu cà phê
Thay vì xuất khẩu cà phê thô như trước đây, các doanh nghiệp đã chuyển hướng sản xuất ra những sản phẩm tinh chế, có giá trị thương mại cao. Đây là cơ hội để chinh phục những thị trường khó tính, nâng cao thương hiệu cà phê Việt trên thị trường quốc tế.
Trong khi nhiều người tiêu dùng ở Việt Nam ưa chuộng cà phê Robusta, thị hiếu của thế giới đa phần lại ưa chuộng cà phê Arabica.
Hiện tại, trên nhiều vùng trồng 2 loại cà phê này đều đang thay đổi phương thức canh tác theo hướng xanh, sạch, gắn với bảo vệ môi trường… để tạo vùng nguyên liệu chất lượng cao cho xuất khẩu.
Vườn cà phê Robusta của ông Huỳnh Quốc Việt rộng hơn 2 hecta. Áp dụng cách chăm sóc hữu cơ, nên cây cà phê của ông luôn xanh tốt, ít sâu bệnh, năng suất ổn định với hơn 6 tấn cà phê nhân mỗi năm.
“Tôi cắt giảm trên 50% hóa học, đầu tư vào phân hữu cơ. Thứ hai là tôi lấy thảm cỏ làm nền để vi sinh vật bám trụ cho đất phát triển“, ông Huỳnh Quốc Việt, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk, cho hay.
“Các vấn đề về hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được kiểm soát chặt chẽ nên quả cà phê tích lũy tự nhiên, rất ổn định. Quả cà phê đáp ứng được tiêu chuẩn của cà phê đặc sản“, Tiến sĩ Phạm Công Trí, nguyên cán bộ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông – Lâm nghiệp Tây Nguyên, đánh giá.
Nhiều dự án thực hành nông nghiệp bền vững liên quan đến cà phê như: cải tiến đất trong trang trại cà phê, cà phê cảnh quan… được triển khai tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai…
Còn tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, một trong những vùng trọng điểm trồng cà phê Arabica của cả nước, người trồng cà phê được hướng dẫn canh tác theo chuẩn VietGAP và GlobalGAP, nhờ đó năng suất và chất lượng tăng cao so với những năm trước.
“Tôi hái thì tôi lựa quả chín, nên chất lượng cao. So với mấy năm, năm nay được giá, giá rất cao“, chị Hồ Thị Đông, thôn Trằm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, chia sẻ.
Mỗi năm, vùng chuyên canh cà phê này tái canh và phát triển thêm khoảng 120 – 150 ha cây cà phê Arabica.
“Cây cà phê cũng đã được tỉnh Quảng Trị hỗ trợ về giống, hỗ trợ về cải tạo vườn rừng, tái canh cà phê và hình thành những vườn rừng mới“, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết.
“Đã tái canh thì phải áp dụng quy trình chuẩn. Hiện nay Bộ đã đưa ra một loạt quy trình kỹ thuật về chăm sóc cà phê bền vững, đề nghị bà con chúng ta tiếp tục áp dụng“, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Mục tiêu từ nay đến năm 2025 cả nước sẽ trồng tái canh 75.000 ha, ghép cải tạo 32.000 ha cà phê, trong đó cà phê Arabica chiếm khoảng 20% tổng diện tích. Ngoài ra, hầu hết diện tích cà phê tái canh được trồng bằng giống mới, cho năng suất cao và chất lượng vượt trội.
Nếu giá cà phê xuất khẩu tiếp tục giữ ở mức cao như hiện nay, thì cả năm 2022, ngành cà phê Việt Nam vẫn có thể thiết lập mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD và đà tăng có thể kéo dài sang năm 2023.