Ngày 25/10, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) phối hợp với Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH Việt Nam) tổ chức Hội thảo tham vấn về “Sổ tay cà phê cảnh quan ở vùng lưu vực sông Sêrêpốk tỉnh Đắk Lắk”.
Quang cảnh hội thảo
Tham gia chương trình hội thảo có 30 đại biểu là các nhà khoa học; lãnh đạo các ban, ngành có liên quan tại huyện Krông Bông, Lắk…
Tại hội thảo, đại biểu đã được nghe các chuyên gia chia sẻ các tham luận về: Cụm cà phê cảnh quan bền vững ở Việt Nam và Tây Nguyên – Từ lý thuyết đến thực hành; Thực trạng, thách thức và khuyến nghị trong nghiên cứu, thực hành và phát triển Cụm cà phê cảnh quan ở tỉnh Đắk Lắk; Giới thiệu Sổ tay hướng dẫn và phát triển cụm cà phê cảnh quan ở lưu vực sông Sêrêpốk tỉnh Đắk Lắk… Đồng thời tiến hành thảo luận và đóng góp ý kiến về Sổ tay cà phê cảnh quan ở vùng lưu vực sông Sêrêpốk tỉnh Đắk Lắk nhằm hoàn thiện Sổ tay trước khi đưa vào sử dụng trong thời gian tới.
Tiến sĩ Phạm Công Trí (IDH Việt Nam) chia sẻ về Sổ tay hướng dẫn cụm cà phê cảnh quan ở lưu vực sông Sêrêpốk tỉnh Đắk Lắk
Sổ tay hướng dẫn và phát triển cụm cà phê cảnh quan ở lưu vực sông Sêrêpốk tỉnh Đắk Lắk với các giải pháp can thiệp cảnh quan bền vững sẽ góp phần thúc đẩy phát triển cụm cảnh quan cà phê trên vùng cà phê trồng xen các cây che bóng, cây ăn quả… được chăm sóc theo những quy trình và hướng dẫn thực hành tốt.
Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Sổ tay
Sổ tay này không thay thế tài liệu ngành, nhưng thể hiện một cách cốt lõi, ngắn gọn, dễ hiểu nhất về xây dựng cụm cà phê cảnh quan. Sổ tay mô tả rõ về thiết kế cụm cà phê cảnh quan, nguyên tắc và khung kỹ thuật thiết kế cụm cảnh quan cà phê, thiết kế cụm cảnh quan – khoanh vẽ bản đồ, giải pháp can thiệp cốt lõi trong vùng cảnh quan cà phê (đối với các loại cây trồng chính, cây ăn quả, cây che bóng, cây thảm phủ, bảo tồn đất và nước, đai xanh cách ly) … Qua đó, giúp người dân hiểu, thực hiện đúng khi xây dựng cụm cà phê cảnh quan tại địa phương.