Cục Quản lý Y dược cổ truyền hướng dẫn triển khai đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý giai đoạn 2021-2025

Sáng 4/11, Cục Quản lý Y dược cổ truyền- Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế Đắk Lắk tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý. PGS. TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Y Dược cổ truyền chủ trì hội nghị.

PGS TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Y Dược cổ truyền phát biểu tại hội nghị.

Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Trung Thành – Phó Giám đốc Sở Y Tế tỉnh Đắk Lắk; ông Đặng Tiến Hùng- Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Trung ương ; ông Đặng Đức Thắng- giám đốc Ban Tín dụng người nghèo – Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam; lãnh đạo 21 tỉnh/thành phố triển khai dự án và doanh nghiệp nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh dược liệu.

Ông Nguyễn Trung Thành – Phó Giám đốc Sở Y Tế tỉnh Đắk Lắk phát biểu

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe phổ biến Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; chính sách hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý của chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo số liệu tại hội nghị, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng to lớn về phát triển dược liệu với 5117 loài dược liệu, trong đó có nhiều loại dược liệu quý, hiếm và vốn tri thức y học truyền thống dân tộc với nhiều bài thuốc có giá trị, là một kho tàng vô giá để tạo ra các sản phẩm từ dược liệu bao gồm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, sản phẩm chăm sóc bảo vệ sức khỏe từ dược liệu, hóa mỹ phẩm từ dược liệu…

Các đại biểu tham dự hội nghị

Hàng năm tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành y tế ở nước ta ước tính 100.0000 tấn với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm. Trong khi đó theo WHO có đến 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Việc sử dụng thuốc, các sản phẩm từ dược liệu cũng là một xu hướng của thế giới hiện nay.

Cục Quản lý Y dược cổ truyền thảo luận xây dựng vùng trồng dược liệu quý ở từng địa phương

Dược liệu được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như: Thực phẩm thực dưỡng, đồ uống, nguyên liệu sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc, hóa mỹ phẩm. Tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính khoảng 230 tỷ USD có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm CAGR 11.32%.

Theo lộ trình Chính phủ đề ra, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý được triển khai thí điểm thực hiện theo hình thức dự án liên kết chuỗi giá trị tại 22 huyện, của 21 tỉnh với 18 dự án vùng trồng dược liệu quý và 4 dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao. Viện Dược liệu sẽ hướng dẫn, hỗ trợ cho 22 huyện trong toàn quốc triển khai nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, xây dựng, hoàn thiện phương án phát triển vùng trồng dược liệu quý hoàn thành trước ngày 1/12/2022.

Cụ thể, mô hình thực hiện Dự án đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trông dược liệu quý sẽ liên kết 4 nhà: Nhà nông (vùng đồng bào dân tộc thiểu số) – Doanh nghiệp – Nhà quản lý – Nhà khoa học – Nhà bank (trong đó doanh nghiêp là trung tâm của chuỗi liên kết); Phát triển chuỗi giá trị: Bảo tồn nguồn gen – nhân giống – trồng trọt – chế biến, sản xuất – tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị dược liệu.

Advertisement

Doanh nghiệp dược liệu tham gia ý kiến

Trong đó, lần đầu tiên Sâm và dược liệu quý nhận được sự quan tâm đầu tư từ ngân sách nhà nước với mức hỗ trợ, đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Tổng mức đầu tư hỗ trợ có thể lên tới 65 tỷ cho một vùng dự án.

Hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ Ngân hành chính sách xã hội cho cơ sơ sản xuất kinh doanh tham gia vào dự án: lần đầu tiên hạn mức cho vay lớn nhất từ trước đến nay, tổng mức cho vay tới 45% tổng mức đầu tư của dự án, không quá 96 tỷ đỗi với dự án vùng trồng dược liệu quý và không qua 92 tỷ đồng với dự án Trung tâm nhân giống, thời hạn cho vay lên tới 10 năm và lãi suất ưu đãi 3,96%/năm (Nghị định số 28/2022/NĐ-CP).

Phát biểu tại Hội nghị, PGS TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Y Dược cổ truyền nhấn mạnh, lần đầu tiên phát triển dược liệu được Chính phủ được quan tâm nhằm phát triển tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế- xã hội thông qua chương trình mục tiêu quốc gia dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, Bộ y tế đã ban hành danh mục 100 loại dược liệu quý, xây dựng lộ trình hỗ trợ các tỉnh triển khai nội dung Tiểu dự án 2, dự án 3 đầu tư hỗ trợ cho phát triển vùng trồng dược liệu giai đoạn 2021-2030. Thời gian đến, Bộ Y tế sẽ phối hợp với UBND tỉnh/thành để lựa chọn chuỗi giá trị dược liệu, đầu tư hỗ trợ cho vùng trồng dược liệu đạt mục tiêu đề ra, góp phần cải thiện sinh kế bền vững cho người dân ở vùng khó khăn.

Advertisement

About admin

Check Also

Nâng cao các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật liên quan pháo nổ trong lứa tuổi học sinh

Hội nghị trực tuyến của Công an tỉnh đánh giá tình hình, giải pháp phòng …