Sáng 16/11, Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức khai giảng lớp tập huấn “Bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển sản phẩm đáp ứng tiêu chí Thương hiệu quốc gia Việt Nam” trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 cho các doanh nghiệp tại Hà Nội và các tỉnh thành.
Tại tỉnh Đắk Lắk có lãnh đạo Hội Doanh nhân nữ Buôn Ma Thuột cùng đông đảo hội viên nữ.
Các đại biểu tham dự điểm cầu Đắk Lắk
Tại lớp tập huấn, Cục Sở hữu trí tuệ và Cục Xúc tiến Thương mại đã giới thiệu và chia sẻ một số nội dung: Tổng quan về Chương trình Thương hiệu quốc gia và những hoạt động hỗ trợ từ Chương trình nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam; Tổng quan về sở hữu trí tuệ ; Yêu cầu đối với nhãn hiệu nhằm đáp ứng các tiêu chí Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các quy định về đăng ký nhãn hiệu cho doanh nghiệp tại Việt Nam; Vai trò, ý nghĩa và các phương thức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài; Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị tài sản trí tuệ và khai thác thương hiệu của doanh nghiệp; Chính sách và quy định pháp luật về hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, các học viên cũng tích cực trao đổi, thảo luận, đặt câu hỏi về các vấn đề có liên quan gắn với quá trình hoạt động thực tiễn tại doanh nghiệp .
Bà Bùi Thị Lan – Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ Buôn Ma Thuột phát biểu tại buổi tập huấn
Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành triển khai thực hiện. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng, phát triển THQG thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển các thương hiệu mạnh trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu khai mạc tại điểm cầu Hà Nội
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam thể hiện rõ quyết tâm, điều hành hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp. Từ đó khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp quan trọng của doanh nghiệp trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế
Trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình đã góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò quan trọng của thương hiệu trong việc gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và khẳng định vị thế trên thị trường thông qua 3 tiêu chí “Chất lượng – Đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong”.
Đồng thời, thông qua các hoạt động quảng bá và hỗ trợ doanh nghiệp, Chương trình đã tăng cường sự nhận biết đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt; tạo sự tin cậy, ưa thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với hàng hóa, dịch vụ và nhà sản xuất Việt Nam.
Việc tham gia Chương trình là một quá trình để doanh nghiệp đánh giá toàn diện các hoạt động, kết quả sản xuất, kinh doanh và chiến lược xây dựng thương hiệu thông qua hệ thống tiêu chí của Chương trình; từ đó khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi của Chương trình, đó là Chất lượng – Đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong.