Sáng 20/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành hữu quan.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk
“Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Chiến lược) nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển các ngành CNVH trong chính sách phát triển văn hóa quốc gia. Việc ban hành và triển khai Chiến lược đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy các ngành văn hóa phát triển sâu rộng hơn.
Trong 5 năm qua, thông qua việc triển khai Chiến lược, các ngành CNVH tại Việt Nam đang dần được coi là một động lực, góp phần trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế và xã hội. Với đặc trưng sáng tạo và công nghệ, CNVH là hướng đi mới, góp phần tạo nên hướng đột phá trong thúc đẩy kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế văn hóa.
Các ngành CNVH góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, tạo việc làm, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống tinh thần người dân, giảm khoảng cách phát triển giữa các vùng và khu vực trong cả nước.
Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Chiến lược, thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi cần có những đánh giá để xem xét đầy đủ và khách quan những tác động của Chiến lược, tạo cơ sở xác định những yêu cầu chuyển đổi cần thiết cũng như những nhân tố, động lực mới nhằm bảo đảm các mục tiêu phát triển CNVH trong thời gian tới.
Hội nghị đã tiến hành thảo luận, chia sẻ về quá trình triển khai Chiến lược thời gian qua, tập trung vào việc đánh giá cơ chế, chính sách phát triển các ngành CNVH; hiệu quả phát huy các nguồn lực cho phát triển các ngành CNVH ở Việt Nam; thực trạng phát triển của các ngành CNVH tiêu biểu như thiết kế, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn…
Tại Đắk Lắk, thời gian qua, công tác triển khai thực hiện phát triển các ngành CNVH đã đạt được những kết quả nhất định, có trọng tâm, trọng điểm, phát huy được lợi thế và phù hợp với điều kiện của địa phương, góp phần xây dựng đời sống Nhân dân tại địa phương ngày càng phát triển, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào sự phát triển của các ngành CNVH. Nhiều di sản văn hóa được quan tâm đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy bền vững giá trị gắn kết với phát triển du lịch. Nhiều cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh làng nghề truyền thống đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội nghị (Ảnh chụp qua màn hình)
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và xã hội về vị trí, vai trò của các ngành CNVH trong phát triển KT-XH. Đồng thời quảng bá, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng; xây dựng và triển khai các chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thương hiệu doanh nghiệp văn hóa tỉnh…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hùng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, CNVH có vai trò, đóng góp quan trọng trong phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế. Để tiếp tục phát triển các ngành CNVH đạt hiệu quả cao, các cấp, các ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, xác định rõ lộ trình, tiến độ triển khai các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược; có giải pháp nhằm đưa các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật truyền thống tiêu biểu, đặc sắc của Việt Nam ra thị trường thế giới, trong đó cần chú trọng thị hiếu của công chúng để đưa ra thị trường những sản phẩm được công chúng yêu thích và quan tâm; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến phát triển các ngành CNVH; tiếp tục lan tỏa tinh thần quyết tâm, khát vọng chấn hưng, phát triển văn hoá dân tộc Việt Nam; đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm khuyến khích và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư phát triển các ngành CNVH…