Sáng 4/1, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chủ trì hội nghị.
Năm 2022, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã được triển khai quyết liệt, qua đó đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng, tạo nền tảng để tổ chức triển khai thực hiện công cuộc CĐS của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
Quang cảnh hội nghị
Nhận thức của các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về CĐS được nâng lên rõ rệt; 15/15 huyện, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo về CĐS cấp huyện. Toàn tỉnh đã thành lập 1.163 Tổ công nghệ số cộng đồng với 7.228 thành viên, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân. Cả 3 trụ cột về CĐS đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, trong đó ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực như phát triển kinh tế nông nghiệp, giáo dục, y tế, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến…
Kinh tế số bước đầu đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Đến ngày 15/12/2022, toàn tỉnh có 1.603 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử; có 40.171 giao dịch thành công, đứng thứ 5 toàn quốc; số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số là 243.656 hộ, đạt 43%. Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về CĐS của tỉnh Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại hội nghị
Từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/12/2022, có hơn 1,2 triệu văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh, tỷ lệ ký số đạt 95,6%; trên 46.210 tài khoản thư điện tử công vụ của Cán bộ, công chức, viên chức dùng để trao đổi thông tin trong công việc trên Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh (iMail); có 1.610 thủ tục hành chính được cập nhật vào cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong đó có 1.061 dịch vụ công cung cấp trực tuyến; ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước của tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Ngoài ra, tỉnh đã triển khai các dịch vụ tại Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (Dak Lak IOC) gồm: Dịch vụ giám sát Hệ thống dịch vụ công trực tuyến; Dịch vụ Giám sát, điều hành KT-XH; Dịch vụ Phản ánh hiện trường; Dịch vụ Giám sát camera an ninh trật tự và điều hành giao thông; Dịch vụ giám sát an toàn an ninh thông tin (SOC)…
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác CĐS thời gian qua còn gặp một số khó khăn như: sự tham gia của một số doanh nghiệp ứng dụng và người dân còn chưa nhiều; việc cung cấp, giải quyết dịch vụ công trực tuyến còn một số vướng mắc, đặc biệt là việc cung cấp dịch vụ công mức độ 4; việc đầu tư cho công nghệ còn chưa đúng mức…
Các đại biểu triển khai kết nối chính thức Dịch vụ công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông tỉnh Đắk Lắk với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về CĐS của tỉnh Nguyễn Tuấn Hà đề nghị thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác CĐS, từ đó quyết tâm, kiên trì thực hiện nhiệm vụ CĐS; tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về CĐS đã đề ra; xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo CĐS/Tổ CĐS các sở, ban, ngành, địa phương năm 2023, trong đó phân công cụ thể nhiệm vụ và có sự lựa chọn, ưu tiên từng nội dung cần triển khai nhằm đảm bảo triển khai đồng bộ, hiệu quả; tiếp tục nâng cao kiến thức, kỹ năng về CĐS, ứng dụng công nghệ thông tin và an toàn thông tin…
Tại hội nghị, UBND tỉnh đã triển khai kết nối chính thức Dịch vụ công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông tỉnh Đắk Lắk với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.