Nâng giá trị cà phê Việt

Ngành cà phê Việt Nam từng bước khẳng định vị thế khi lần đầu lập kỷ lục về giá trị xuất khẩu lên đến 4 tỉ USD trong năm qua

Bước sang năm 2023, theo dự báo của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi nhờ nhu cầu thế giới có khả năng phục hồi và nguồn cung trong nước được bảo đảm cả về sản lượng lẫn chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên thế giới Ảnh: AN NAXuất khẩu cà phê của Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên thế giới Ảnh: AN NA
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên thế giới Ảnh: AN NA

Cà phê tăng giá đầu năm

Theo số liệu thống kê, xuất khẩu cà phê năm 2022 đạt 1,78 triệu tấn với giá trị hơn 4 tỷ USD, tăng 13,8% về khối lượng và tăng 32% về giá trị so với năm 2021 nhờ giá tăng. Giá cà phê xuất khẩu bình quân năm 2022 đạt 2.281,7 USD/tấn, tăng 16% so với năm 2021.

Advertisement

Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương thông tin tính đến giữa tháng 2, giá cà phê Robusta và Arabica trên thị trường thế giới tiếp tục tăng. Các thông tin cho thấy kinh tế Mỹ tốt hơn đã kích thích quỹ đầu cơ đẩy mạnh mua vào.

Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết không thuận lợi tại Brazil và báo cáo tồn kho giảm đã tác động tích cực lên thị trường cà phê thế giới. Hiệp hội Cà phê hạt (GCA) khu vực Bắc Mỹ báo cáo tồn kho tháng 1-2023 giảm 1,8% so với tháng 12-2022, xuống ở mức 6,265 triệu bao. Do đó, xu hướng tăng giá được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Tại thị trường trong nước, giá cà phê Robusta tháng 2 ở Tây Nguyên đã đạt mức 48.000 đồng/kg, tăng khoảng 7.000 đồng/kg so với tháng 1. Theo chuyên gia về ngành cà phê Nguyễn Quang Bình, giá cà phê Việt Nam tăng là do nông dân đã đầu tư vào chất lượng, làm cơ sở nâng giá cà phê. “Chưa cần đầu tư chế biến sâu như rang xay hay cà phê hòa tan, nông dân có thể bán được cà phê nguyên liệu cao gấp 1,5 hay 2 lần so với mức thông thường khi tuân thủ quy trình trồng, thu hoạch mà nhà thu mua yêu cầu” – ông Nguyễn Quang Bình dẫn chứng.

Ngoài ra, trong 2 tháng đầu năm 2023, sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm cho thấy nguồn cung của Việt Nam không dồi dào như dự kiến, là yếu tố khiến giá cà phê tăng.

Phát triển vượt bậc

Tại Hội nghị quốc tế về ngành cà phê Việt Nam diễn ra ở Hà Nội cuối năm 2022, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá ngành cà phê Việt Nam đã phát triển vượt bậc cả về diện tích, năng suất, sản lượng, từng bước xây dựng công nghiệp chế biến cà phê hiện đại, đa dạng sản phẩm, phù hợp thị hiếu thị trường. Dù vậy, ông chỉ ra rằng sản xuất cà phê nước ta cũng đứng trước nhiều thách thức, khó khăn do xuất khẩu tăng trưởng cao nhưng chưa ổn định và bền vững, các hình thức liên kết từ sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa gắn kết chặt chẽ, ngành cà phê còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trước biến động của điều kiện khí hậu và thị trường tiêu thụ.

Chia sẻ tại buổi họp báo giới thiệu Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột diễn ra ở TP HCM mới đây, bà Võ Thị Hà Giang, Giám đốc truyền thông Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên Legend, đưa dẫn chứng Colombia chỉ xuất khẩu gần 1 triệu tấn, chủ yếu là cà phê Arabica nhưng đứng thứ 3 thế giới về kim ngạch với doanh thu xuất khẩu cà phê nhân đạt 3,2 tỉ USD trong năm 2022.

Hiệu quả sản xuất, xuất khẩu cà phê của Colombia đến từ chính sách tập trung vào nâng cao chất lượng cà phê nhân và vùng trồng cho khoảng 5% diện tích canh tác nhằm tạo ra loại cà phê chất lượng cao cùng nhiều hoạt động xây dựng thương hiệu khác. Theo bà Hà Giang, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ câu chuyện thành công của Colombia, từ đó có định hướng, chiến lược đầu tư phát triển sản phẩm cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản để mang về giá trị gia tăng và lợi nhuận cao hơn.

Theo ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak), sau một thời gian dài, với sự nỗ lực của nông dân, doanh nghiệp (DN) thì cà phê Việt Nam đang dần khẳng định được giá trị, chất lượng, từng bước nâng tầm thương hiệu. Tuy vậy, điều làm ông trăn trở là thương hiệu cà phê Việt Nam vẫn chưa được thế giới biết đến nhiều. “Nhắc tới rượu vang thì chúng ta nghĩ ngay tới Pháp nhưng nói tới cà phê, người tiêu dùng thế giới vẫn chưa biết tới Việt Nam, trong khi chúng ta đứng đầu thế giới về cà phê Robusta, đứng thứ 2 về giá trị xuất khẩu cà phê (sau Brazil). Việt Nam có cà phê ngon nhưng thương hiệu vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng trên thế giới biết đến” – ông Huy dẫn chứng.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, cho rằng trước sức ép cạnh tranh và diễn biến thị trường hiện tại, cà phê Việt Nam cần nhanh chóng tìm chỗ đứng cho mình. Con đường duy nhất là DN phải đầu tư vào chiều sâu, trồng các loại giống có năng suất cao, tạo ra những sản phẩm cà phê có sự khác biệt, đồng thời xây dựng thị trường hàng hóa bền vững. Giai đoạn này, DN cũng cần được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức quốc tế, các nhà rang xay hàng đầu thế giới hỗ trợ thông qua các chương trình cà phê bền vững, cà phê chất lượng có các chứng nhận quốc tế như: 4C, Rain Forest, Fairtrade…

>> Sau niên vụ xuất khẩu kỷ lục, cà phê bước vào giai đoạn khó khăn

Advertisement

About admin

Check Also

Giá cà phê ngày 08/5: Dự báo lượng mưa Brazil bị hạn chế, giá Arabica tăng

Cà phê arabica tháng 7 giao dịch hôm thứ Ba đóng cửa tăng 1,45 cent/pound …