Giá cà phê hai sàn trở lại xu hướng tiêu cực do lo ngại rủi ro tăng cao trước khả năng Fed sẽ duy trì mức lãi suất cao kéo dài…
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm 18 USD, xuống 2.162 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm 16 USD, còn 2.1650 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York sụt giảm liên tiếp phiên thứ bảy. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm thêm 4,35 cent, xuống 177,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 4,20 cent, còn 177,20 cent/lb, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 300 – 400 đồng, xuống dao động trong khung 47.200 – 47.800 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn trở lại xu hướng tiêu cực sau Báo cáo Thương mại tháng 1/2023 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO). Theo báo cáo, tất cả các chỉ số giá trung bình vẫn ổn định, chỉ giảm nhẹ so với tháng cuối cùng của năm 2022. Trong vòng 12 tháng, kết thúc vào tháng 12 năm 2022, xuất khẩu cà phê Arabica giảm 1,13 % so với năm trước, xuống đạt tổng cộng 79,67 triệu bao, trong khi xuất khẩu Robusta tăng nhẹ 0,01 triệu bao, lên đạt tổng cộng 48,29 triệu bao. Tính chung xuất khẩu 3 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023 đã giảm 2,8% xuống ở mức 30,27 triệu bao so với 31,14 triệu bao cùng kỳ niên vụ 2021/2022. Trong khi đó, lo ngại rủi ro tiếp tục tăng cao trước suy đoán Fed sẽ duy trì mức lãi suất cao kéo dài.
Lo ngại thiếu hụt nguồn cung cà phê toàn cầu đã có phần giảm bớt khi báo cáo xuất khẩu cà phê khu vực Trung Mỹ đã có sự hồi phục đáng kể, đã hỗ trợ mức tồn kho gia tăng trên cả hai sàn cà phê kỳ hạn, nhất là tồn kho ICE – London tăng liên tiếp.
Trong khi đó, USDX tiếp tục gia tăng do lợi suất trái phiếu kho bạc giảm mạnh đã kích thích dòng vốn đầu cơ kéo về các sàn hàng hàng hóa phái sinh, đã hỗ trợ giá vàng và dầu thô bật tăng trở lại nên bỏ qua giá cà phê như là sự tất yếu.
Anh Văn (giacaphe.com)