Nâng giá trị cà phê Việt: Đầu tư mạnh vào thương hiệu

Ngành cà phê Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào chế biến sâu, phát triển sản phẩm chất lượng cao, cà phê đặc sản cũng như chú trọng công tác quảng bá.

Ông ĐỖ HÀ NAM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex: Nâng tỉ lệ chế biến sâu

Ngành cà phê Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 6 tỉ USD vào năm 2030. Đây là mục tiêu khó với cơ cấu xuất khẩu 85% nguyên liệu và 15% sản phẩm chế biến như hiện nay. Ngoài ra, việc bị cạnh tranh gay gắt với những cây ăn trái mới nổi như: sầu riêng, bơ, chanh leo… thì diện tích cà phê có xu hướng giảm, kéo theo sản lượng giảm nếu không có giải pháp khắc phục.

Về mặt sản lượng, cần tiếp tục tái canh cà phê và đưa giống chất lượng cao, năng suất cao để tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác. Gần đây, Lâm Đồng có những mô hình trồng cà phê giống mới năng suất từ 7-10 tấn/ha (năng suất bình quân năm 2022 gần 2,9 tấn/ha) cần được nhân rộng.

Ngoài ra, cần đầu tư vào chế biến sâu hơn nữa. Để đạt giá trị xuất khẩu 6 tỉ USD thì tỉ trọng hàng chế biến sâu phải đạt 30%-50%, tương đương với một số nước hiện nay.

Gần đây, ngành cà phê có cơ hội rất lớn để đầu tư vào chế biến sâu khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã đưa các dòng thuế với sản phẩm chế biến sâu từ 20%-40% trước đây về mức 0% khi xuất khẩu vào các nước phát triển, đặc biệt là châu Âu. Không chỉ những doanh nghiệp (DN) trong nước, mà các DN có vốn đầu tư nước ngoài, các thương hiệu cà phê lớn nhất trên thế giới đều đã đầu tư và mở rộng quy mô mảng chế biến sâu để tận dụng lợi thế.

Nâng tầm giá trị cà phê Việt bằng cách phát triển cà phê đặc sản

Ông ĐINH VĨNH CƯỜNG, Chủ tịch CLB Kết nối doanh nhân Việt Nam – quốc tế, Chủ tịch 365 Group: Cần có hướng đi bền vững

Trong hơn 10 năm qua, với tư cách là Chủ tịch CLB Kết nối doanh nhân Việt Nam – quốc tế, khi tham gia bất kỳ hội thảo nào, tôi đều mang cà phê đến giới thiệu cho khách quốc tế trải nghiệm. Tất cả đều rất thích thú và đánh giá cao hương vị cà phê Việt. Lâu nay, cà phê của Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới về sản lượng xuất khẩu, chỉ sau Brazil nhưng vấn đề marketing, làm thương hiệu còn rất yếu kém.

Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 1,8 triệu tấn cà phê, trị giá 4 tỉ USD. Đây là tín hiệu rất tốt nhưng sẽ có rất nhiều thử thách mà các DN cà phê cần lưu ý. Bên cạnh đó, cần thay đổi hơn về cách làm cà phê lẫn trồng cà phê. Hiện nay, diện tích trồng cà phê organic (hữu cơ) đạt chuẩn quốc tế còn khiêm tốn. Nếu có chứng nhận, giá bán 1 kg cà phê cao hơn gấp nhiều lần so với cà phê trồng theo phương pháp thông thường. Dù vậy, tư duy của nông dân vẫn trồng cà phê theo cách cũ, sử dụng phân bón hóa học nên phải bán với giá thấp. Có khách hàng Mỹ từng đặt vấn đề đặt hàng mua 1.000 tấn cà phê organic/tháng, chúng tôi đi khắp nước nhưng không tìm được nguồn hàng đủ đáp ứng yêu cầu của họ.

Để xây dựng được thương hiệu cà phê, không đơn giản là trồng cà phê ngon. Đó mới là điều kiện cần và đủ. Ngoài ra, còn cần các hoạt động khác về tiếp thị, quảng bá… thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, giao lưu văn hóa, du lịch… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên có chính sách hướng dẫn nông dân ngoài trồng cà phê theo chuẩn VietGAP còn phải theo tiêu chuẩn của các thị trường khó tính để mở rộng xuất khẩu, qua đó nâng tầm và nâng giá trị cà phê Việt, khai thác hiệu quả hơn lợi thế quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới.

Ông LÊ VĂN THANH, Chủ tịch HĐQT HXT Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai): Cần bảo tồn cà phê ngon bản địa

Để xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam, theo tôi, còn cần phải làm mã vùng, bảo tồn lại những giống cà phê cũ, hiếm. Tại huyện Chư Pah chỉ còn khoảng 100 ha cà phê trồng từ trước năm 2007 cho chất lượng cực kỳ ngon. Tuy nhiên, sản lượng giống cà phê này trái nhỏ, năng suất chỉ đạt 3 tấn/ha nên người dân dần phá bỏ, trồng những giống khác cho năng suất cao hơn. Diện tích cà phê này đang giảm mạnh, có khả năng chỉ 2 năm nữa sẽ xóa sổ nếu không có biện pháp gìn giữ, bảo tồn.

Những giống cà phê cũ, hiếm hoi này thậm chí còn không có tên gọi nhưng nếu bảo tồn, đưa ra thị trường thì giá trị rất cao vì đây mới là cà phê gốc, là tinh hoa của cà phê còn sót lại. Việc này những đơn vị nhỏ lẻ, nông dân không thể làm được mà phải có sự góp sức của các DN lớn, chính quyền.

Advertisement

Ông LÊ HỮU ANH, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai): Minh bạch vùng nguyên liệu

Trước đây, cà phê ở Việt Nam mang tính chất nguyên liệu. Hiện nay đã thay đổi, cà phê đã được chế biến thành đặc sản, đáp ứng được nhu cầu của thế giới. Vì vậy đây là cơ hội lớn để đưa cà phê Việt Nam lên bước phát triển mới.

Nông dân Việt Nam trồng cà phê là hình ảnh đẹp. Việc phát triển vùng nguyên liệu cà phê sạch, xây dựng được câu chuyện của hạt cà phê càng có ý nghĩa hơn. Đây là yếu tố nhân văn, được người nước ngoài quan tâm khi phát triển vùng cà phê. Từ đó, xây dựng được thương hiệu cà phê, văn hóa trồng cà phê.

Để cà phê Việt đứng vững trên thị trường quốc tế cần minh bạch vùng nguyên liệu, tập trung bảo vệ cho nông dân canh tác hữu cơ, canh tác sạch. Khi có được môi trường sản xuất cà phê bền vững sẽ đem lại lợi ích cho nông dân và DN.

Ông LÊ ĐỨC HUY, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk (Simexco Dak Lak): Phát triển cà phê đặc sản

Với định hướng lâu dài Buôn Ma Thuột – thành phố cà phê của thế giới, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung nhiều nguồn lực vào các hoạt động để nâng cao chất lượng cà phê theo định hướng phát triển cà phê bền vững, cà phê chất lượng cao.

Từ năm 2019, UBND tỉnh và Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã tổ chức 4 cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam, Việt Nam Amazing Cup quy mô toàn quốc và đã nhận được sự hưởng ứng tham gia bởi nhiều vùng trồng cà phê của cả nước, góp phần thúc đẩy rất nhanh việc cho ra nhiều sản phẩm cà phê ngon, đặc sản. Các sản phẩm đoạt giải của cuộc thi đã được Simexco Dak Lak xuất khẩu và cung ứng cho nhiều nhà rang xay nổi tiếng trên thế giới và cũng gửi đi tham gia nhiều hội chợ cà phê đặc sản tại các quốc gia khắt khe như Nhật, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Ý, Canada, Hà Lan. Đặc biệt, cà phê Robusta đặc sản của Việt Nam đã được sử dụng làm sản phẩm cho các cuộc thi Barista thế giới vào tháng 9-2022 tại Úc và tháng 4-2023 tại Mỹ.

Với những gì đã đạt được, khẳng định chất lượng cà phê Robusta Việt Nam là ngon hàng đầu trên thế giới nên Simexco Dak Lak sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương hiệu để sản phẩm được lan tỏa nhanh hơn và xa hơn.

Simexco Dak Lak luôn tiên phong, đồng hành với ngành cà phê Việt Nam phát triển chuỗi cung ứng cà phê từ nông dân đến nhà rang xay theo tư duy kinh tế liên kết, hợp tác, định hướng sản xuất từ sản lượng qua giá trị và đa giá trị. Những năm qua, chúng tôi đã chú trọng xây dựng hệ thống liên kết lên đến 40.000 nông hộ với mô hình quản lý hiện đại như số hóa, kiểm soát thông tin bằng nhật ký điện tử, big data, truy xuất nguồn gốc.

>> Nâng giá trị cà phê Việt

Advertisement

About admin

Check Also

Giá cà phê ngày 08/5: Dự báo lượng mưa Brazil bị hạn chế, giá Arabica tăng

Cà phê arabica tháng 7 giao dịch hôm thứ Ba đóng cửa tăng 1,45 cent/pound …