‘Loay hoay’ chuyện nâng cao giá trị cà phê

Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê đứng thứ hai thế giới nhưng giá trị gia tăng rất thấp. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, để có chỗ đứng trên thị trường, ngành cà phê cần phải xây dựng thương hiệu và quan trọng là phải xây dựng được sàn giao dịch riêng cho sản phẩm này.

Ông Trần Thanh Hải – nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sở giao dịch Cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột, cho biết hiện Việt Nam vẫn là nhà sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới, chiếm tới 60% thị phần toàn cầu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thể quyết định giá bán loại cà phê này.

Cần chú trọng đầu tư sản xuất cà phê sạch để đáp ứng thị trường tiêu thụ.

“Vì vậy, cần thiết phải thành lập Sở giao dịch Cà phê robusta tại TP.HCM, kho ngoại quan tại Đông Nam Bộ… Từ đó, cà phê Việt Nam mới có thể tạo lập giá”, ông Hải nói.

Trên thực tế, mô hình Sàn giao dịch Cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột đã từng ra đời vào năm 2008 với kỳ vọng sẽ giúp người trồng cà phê tiếp cận với công nghệ thông tin, phương thức mua bán tiên tiến trên thế giới, cập nhật về giá cả thị trường trong quá trình trao đổi sản phẩm, khắc phục được tình trạng ép giá nông dân. Nhưng sau 10 năm triển khai, dự án được đặt “đầy kỳ vọng” này đã bị “khai tử” năm 2018 kèm khoản lỗ trên 2 tỷ đồng vì nhiều lý do, cả chủ quan cũng như khách quan.

Theo ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Kết nối doanh nhân Việt Nam – Quốc tế, để phát triển và nâng giá trị cà phê, cần chú trọng đầu tư sản xuất cà phê sạch để đáp ứng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là những thị trường khó tính. Và điều quan trọng hơn là phải chế biến sâu.

Theo ông Cường, hiện Việt Nam vẫn còn rất ít công ty làm được thương hiệu cà phê Việt trên thị trường thế giới. Trong khi đó, Thái Lan hiện có những thương hiệu cà phê cao cấp, bán đến 50 – 100 USD/ly ở các khách sạn 5 sao trên thế giới.

Ngoài việc xuất khẩu, các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý, thị trường cà phê trong nước rất có tiềm năng nhưng nhiều doanh nghiệp đang “bỏ rơi”. Tại Việt Nam, có trên 35.000 quán cà phê; lượng cà phê nhân ước tính được sử dụng chế biến và tiêu thụ nội địa đạt trên 250.000 tấn/năm, chiếm 16% tổng sản lượng. Sản lượng cà phê rang xay thành phẩm chủ yếu tiêu thụ nội địa với ước tính 160.000 tấn, trong khi lượng xuất khẩu chỉ khoảng 4.000 tấn. Cà phê hòa tan thành phẩm tiêu thụ nội địa ước tính khoảng 33.000 tấn, trong khi lượng xuất khẩu khoảng 50.000 tấn. Sản lượng cà phê nhân chế biến nội địa dự kiến tiếp tục tăng, đặc biệt dùng để chế biến bột cà phê hòa tan, với sự ra đời của nhiều nhà máy mới của các doanh nghiệp trong nước và FDI.

Advertisement

Hiện tại, tổng diện tích trồng cà phê trên cả nước khoảng 710.000 ha nhưng sản phẩm được chế biến sâu có tỷ lệ rất thấp. Cùng với đó, cà phê robusta của Việt Nam chưa được bảo hộ ở bất kỳ quốc gia nào nên có thể gặp nhiều rủi ro.

“Các doanh nghiệp hiện nay cũng đã nâng giá trị cà phê Việt bằng cách đầu tư cho cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. Tuy nhiên, then chốt vẫn là khâu chế biến sâu. Để đầu tư một nhà máy chế biến cà phê thì cần vốn lên đến vài trăm tỷ đồng, vì vậy doanh nghiệp Việt khó đầu tư.

Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất có lợi thế về vốn, kinh nghiệm, thương hiệu nên đã mở rộng đầu tư nhà máy tại Việt Nam để tận dụng các ưu đãi mà các hiệp định thương mại tự do mang lại”, ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam chia sẻ.

Hiện nay, Việt Nam vẫn loay hoay sản xuất thô. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng vùng nguyên liệu tại Tây Nguyên. Tuy nhiên, việc phát triển vẫn phụ thuộc rất lớn vào doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người trồng cà phê. Thế nên, chúng ta mãi vẫn “loay hoay” trong việc nâng cao giá trị nội địa và xây dựng thương hiệu ở thị trường bên ngoài.

>> Cà phê Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới?

Advertisement

About admin

Check Also

Giá cà phê ngày 08/5: Dự báo lượng mưa Brazil bị hạn chế, giá Arabica tăng

Cà phê arabica tháng 7 giao dịch hôm thứ Ba đóng cửa tăng 1,45 cent/pound …