Thanh long, sầu riêng nguy cơ dư thừa khi Trung Quốc tăng diện tích trồng

Thanh long Việt Nam nguy cơ thừa cung, còn sầu riêng khả năng rớt giá mạnh khi Trung Quốc liên tục mở rộng diện tích trồng và tăng sản lượng, theo chuyên gia.

Cuối tháng 2, Trung Quốc công bố nước này đạt sản lượng 1,6 triệu tấn thanh long một năm, cao hơn Việt Nam 200.000 tấn. Vị trí đứng đầu thế giới về sản lượng thanh long là kết quả của nước này sau nhiều năm liên tục mở rộng diện tích từ 2016 đến nay. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ của người dân khoảng 2 triệu tấn một năm. Như vậy, sản lượng thanh long tự sản xuất của họ đã gần đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng cả nước.

Cùng với thanh long, sầu riêng của Trung Quốc sau nhiều năm thử nghiệm thất bại, hiện đã bắt đầu cho trái. Công bố mới đây của Viện cây ăn quả nhiệt đới (Học viện Khoa học Nông nghiệp Hải Nam), cho biết các tỉnh phía Nam nước này đã trồng thành công hơn 2.000 ha sầu riêng. Sản phẩm dự kiến bán ra thị trường năm 2024 với nguồn cung khoảng 45.000-75.000 tấn.

Viện này cho biết quy mô trồng sầu riêng sẽ được mở rộng ra phía Bắc. Trung Quốc đang tìm cách nhập khẩu cây giống chất lượng cao từ nước ngoài (bên cạnh nguồn cây giống trong nước). Nông dân của họ cũng có thể sử dụng cây sầu riêng địa phương đã ra hoa kết trái trên 3 năm, làm cây mẹ để ghép và nhân giống.

Trả lời trên Hainan Television, ông Du Baizhong, Tổng giám đốc Công ty Nông nghiệp Youqi Hải Nam, cho biết cây sầu riêng của công ty này đang phát triển tốt và cho trái đều. Sắp tới, việc mở rộng diện tích sầu riêng tại quốc gia này có thể tăng nhanh.

Thanh long chín trong vườn của ông Nguyễn Luân, xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: Việt Quốc

Xem thêm: Muốn vượt Thái Lan, sầu riêng Việt Nam phải có thương hiệu mạnh

Thanh long và sầu riêng Việt Nam chịu nhiều áp lực

Việc Trung Quốc đang lên kế hoạch làm chủ nguồn cung nông sản khiến các nhóm hàng nổi bật của Việt Nam như thanh long, sầu riêng, chiếm 90% sản lượng được xuất khẩu sang thị trường này, có nguy cơ dư thừa.

Nói với VnExpress, ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận), cho biết xuất khẩu thanh long của Việt Nam trong những tháng đầu năm bắt đầu bị tác động. Các năm trước, mỗi ngày ở biên giới phía Bắc, Trung Quốc có thể nhập hơn 300 container, nay chưa tới 100 container.

Hiện giá thanh long vẫn neo ở mức cao vì Việt Nam có hàng trái vụ. Từ tháng 3 đến tháng 9, khi nước này vào vụ, thanh long Việt sẽ đối diện nguy cơ thừa cung. Bởi theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 90% thanh long Việt được xuất sang Trung Quốc. Khi nước này vào chính vụ, sản phẩm nội địa sẽ ngập tràn trên thị trường, lúc đó hàng Việt đối mặt nguy cơ dư cung.

Giá bán thanh long Việt cũng khó cạnh tranh với hàng nội địa vì chi phí trồng cao, cộng tiền vận chuyển, chưa kể có lúc Trung Quốc bán cho người tiêu dùng dưới giá thành.

Tương tự với sầu riêng, bà Ngô Tường Vy – Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chánh Thu (Bến Tre), doanh nghiệp xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc – lo ngại hàng Việt sẽ thất thế so với hàng Trung Quốc nếu không nâng cao chất lượng.

Ngoài ra, đại diện Công ty Thương mại Quốc tế Sunwah (Quảng Châu) cho rằng sầu riêng Việt còn đang chịu áp lực cạnh tranh lớn với hàng Thái Lan, Malaysia do được xuất chính ngạch muộn hơn. Sunwah còn dẫn kết quả nghiên cứu thị trường cho thấy trong quá trình giao dịch, có nhiều thương vụ xuất khẩu nông sản vi phạm điều kiện hợp đồng. Điều này ảnh hưởng xấu đến uy tín xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Phan Thị Trà My, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, cảnh báo nước này đã không còn là thị trường dễ tính để hàng Việt có thể thâm nhập dễ dàng. Hiện, nhu cầu sầu riêng của thị trường Trung Quốc rất lớn nhưng nếu vẫn làm ăn kiểu “chộp giật”, hàng Việt sắp tới sẽ rất khó cạnh tranh với Thái Lan và hàng nội địa Trung Quốc.

Vườn sầu riêng 1 ha chuyển đổi từ đất trồng lúa tại xã Tân Lập (Tân Thạnh, Long An). Ảnh: Hoàng Nam

“Hôm trước, tôi đến một kho hàng sầu riêng, thấy nhiều quả vẫn còn sâu, rệp trên vỏ. Nếu chúng ta cứ cố đóng những container hàng như vậy, khả năng cao sẽ bị trả lại”, bà My nói.

Hiện số lượng các doanh nghiệp được cấp mã vùng trồng sầu riêng để xuất sang Trung Quốc còn thấp. Việt Nam đang có 246 mã số vùng trồng (khoảng 12.000 ha) và 97 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đáp ứng đầy đủ yêu cầu xuất chính ngạch theo nghị định thư ký kết với phía Trung Quốc.

Advertisement

Trong khi đó, theo Cục trồng trọt, tính đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng đã đạt 110.000 ha, vượt khoảng 35.000 ha so với định hướng. Hai tháng đầu năm, khi giá mặt hàng này tăng đột biến, các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên còn có hiện tượng phá cà phê, hồ tiêu, lúa để trồng sầu riêng.

Với tình trạng trên, Cục trồng trọt cảnh báo việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát như trên sẽ dẫn đến hậu quả khó lường như cung vượt quá cầu. Ngoài ra, nếu trồng không theo quy hoạch sẽ gây thiệt hại lớn về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam.

Cần tận dụng ưu thế và nâng cao chất lượng nông sản

Trước những thách thức lớn nêu trên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng Nhà nước cần quy hoạch loại vùng trồng, nông dân không nên canh tác quá ồ ạt để tránh tình trạng cung vượt cầu. Ngoài ra, Việt Nam cần xây dựng thương hiệu cho sầu riêng Việt.

Đồng quan điểm, bà Vy nhìn nhận con đường duy nhất để hàng Việt tồn tại là chất lượng. Do đó, Việt Nam phải quản lý ở tầm quốc gia để làm sao chất lượng sầu riêng đồng đều. Bài học gần đây là Thái Lan, trước áp lực cạnh tranh với Việt Nam, nước này đã nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu.

“Chỉ làm hàng hóa chất lượng cao mới là điều khiến nông sản Việt Nam có vị thế. Từ sầu riêng, sẽ kéo theo các loại hoa quả khác đi theo hướng phát triển bền vững”, bà Vy khuyến nghị.

Cũng theo ông Nguyên, hàng Việt sẽ có chỗ đứng nếu tận dụng các ưu thế riêng mà không phải thị trường nào cũng có được. Chẳng hạn nông dân nên tăng sản xuất hàng trái vụ, thời điểm mà các quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc không thể thực hiện. Mùa đông của Trung Quốc kéo dài rất khó để sầu riêng có trái.

“Diện tích chuối, xoài, thanh long từ Trung Quốc đang tăng mạnh nhưng vẫn phải nhập thêm với số lượng lớn vào những mùa mà họ không thể sản xuất”, ông Nguyên dẫn chứng. Đồng thời, ông cho rằng để không bị phụ thuộc thị trường Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ nông nghiệp phát triển, kết nối giao thương nhiều hơn ở các thị trường mới.

Ngoài ra, theo ông, nông sản Việt Nam nên chú trọng hơn ở thị trường nội địa. Bởi hiện nay giá sầu riêng khá cao nên tỷ lệ người dân chi tiền để sử dụng sản phẩm này còn thấp. Do đó, nếu có chiến lược sản xuất an toàn, minh bạch, người Việt không chỉ ủng hộ hàng Việt mà họ có thể chuyển thành tin tưởng.

>> Trung Quốc tự trồng sầu riêng, Thái Lan và Việt Nam bị đe dọa

Advertisement

About admin

Check Also

Giá cà phê ngày 08/5: Dự báo lượng mưa Brazil bị hạn chế, giá Arabica tăng

Cà phê arabica tháng 7 giao dịch hôm thứ Ba đóng cửa tăng 1,45 cent/pound …