Nỗ lực xuất ngoại cà phê đặc sản Việt Nam

Họ là những người trẻ không ngừng học hỏi và vượt khó trong nỗ lực đưa cà phê đặc sản Việt Nam ra thế giới.

Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM, 8 năm trước, anh Vũ Việt Đức (32 tuổi, quê Ninh Bình) bỏ công việc kiểm toán rồi góp 200 triệu đồng mở tiệm rửa xe tại thành phố với một người bạn.

Lần khởi nghiệp này không thành công. Đúng lúc ấy, Đức nhận được lời mời hợp tác kinh doanh cà phê từ anh Phan Quang Huy (quê Đắk Nông) – người trước đây là đối tác cung ứng cà phê cho tiệm của anh.

Xem thêm: Điều tạo nên một ly cà phê đặc sản

Bắt đầu từ thất bại

Năm 2016, anh Đức và anh Huy cùng một người bạn xây dựng chuỗi Message Coffee (Cà phê Thông điệp), phát triển thương hiệu cà phê nguyên chất rang mộc. Họ bắt đầu với một cửa hàng nhỏ ở góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP HCM. Trong 2 năm, thương hiệu Message Coffee nhanh chóng mở rộng theo mô hình nhượng quyền với 14 chi nhánh ở các tỉnh, thành.

Message Coffee phát triển nhanh nhưng chất lượng không ổn định, thiếu đồng bộ. Trong khi đó, những người sáng lập đều không có kinh nghiệm quản lý nên chưa có gì chắc chắn cho việc phát triển bền vững.

Anh Vũ Việt Đức bên giàn phơi cà phê chất lượng cao tại một trang trại ở tỉnh Đắk Nông

Mất nhiều tháng nghiên cứu, anh Đức và anh Huy quyết định dừng phát triển chuỗi Message Coffee, tập trung vào sản xuất, cung ứng nguyên liệu cà phê chất lượng cao. Nhận ra mấu chốt của cốc cà phê ngon không chỉ ở khâu chế biến mà còn đến từ nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là nguyên liệu đầu vào, Message Coffee bắt tay xây dựng vùng nguyên liệu riêng.

Để kế hoạch thành công, ngoài việc vay vốn từ gia đình, các cổ đông còn thuyết phục nhiều nông hộ chuyển từ thu hoạch cà phê xanh, chín lẫn lộn sang chọn lọc quả chín 100%. Lúc đầu, đề nghị này của 2 anh không được nhiều nông hộ hưởng ứng. Để tạo dựng lòng tin cho họ, anh Đức và anh Huy đã thử nghiệm tại một trang trại 3 ha ở tỉnh Đắk Nông. Kết quả đã chứng minh nếu thu hoạch theo phương pháp hái chọn lọc quả chín vào giai đoạn chính vụ thì lợi nhuận sẽ tăng 12%-15%.

Hiện nay, bên cạnh việc liên kết sản xuất với hơn 30 nông hộ, Message Coffee còn hợp tác sản xuất, bao tiêu đầu ra với nhiều công ty cà phê chất lượng cao tại Đắk Lắk và Gia Lai. Message Coffee cũng đang nằm trong nhóm nhà cung cấp cà phê rang xay bán chạy nhất trên sàn thương mại điện tử. Năm 2023, doanh nghiệp này đặt mục tiêu đưa ra thị trường 150 tấn cà phê chất lượng cao.

Sau khi tạo dựng được thương hiệu với cà phê chất lượng cao, anh Đức và anh Huy bắt đầu dồn tâm huyết vào phát triển cà phê đặc sản – dòng sản phẩm chất lượng cao nhất theo tiêu chuẩn quốc tế. “Hai sản phẩm Speciality Arabica và Fine Robusta của Message Coffee đã được trao chứng nhận Top cà phê đặc sản tại cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2022. Trong năm 2023, chúng tôi tiếp tục gửi thêm mẫu dự thi. Mục tiêu của chúng tôi là 5 năm tới sẽ đưa sản phẩm cà phê đặc sản xuất ngoại, trong đó đặc biệt hướng tới các thị trường khó tính như Nhật, châu Âu và Mỹ” – anh Đức hào hứng.

Mở thêm những cơ hội mới

Trong ngành cà phê, anh Nguyễn Văn Hòa (31 tuổi) được xem là nguồn cảm hứng của không ít người.

Năm 2014, Hòa từ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk xuống TP HCM làm nhân viên tại quán Shin Cà phê – thương hiệu tiên phong kinh doanh cà phê đặc sản tại Việt Nam lúc đó. Gần 4 năm làm việc tại đây, từ nhân viên giữ xe, dọn dẹp nhà vệ sinh, rửa ly, anh dần trở thành chuyên gia thử nếm và làm giám khảo tại nhiều cuộc thi liên quan cà phê.

Advertisement

Năm 2020, anh Hòa trở về Buôn Ma Thuột xây dựng Stone Village – phòng lab kiểm định chất lượng cà phê, với số vốn đầu tư ban đầu 5 triệu đồng. Mặt bằng được anh tận dụng từ nhà kho tầng 3 của người quen.

Thời gian đầu, mọi thứ không khả quan. Kiểm định chất lượng cà phê vẫn là một khái niệm khá xa lạ với người dân ở Tây Nguyên thời điểm đó. Sau 1 năm, người dân mới dần quen với những gì Stone Village đang làm. Stone Village hiện là đại diện cho Viện Chất lượng cà phê (CQI) và Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới (SCA) tại Việt Nam.

Ngay từ những ngày đầu, anh Hòa đã hướng đến việc mở rộng cộng đồng cà phê đặc sản, bền vững tại Việt Nam và đưa cà phê đặc sản Việt đến với cộng đồng quốc tế. Năm 2022, Stone Village tài trợ toàn bộ chi phí tham gia hội chợ, phí kiểm định, giấy chứng nhận mẫu cà phê đặc sản cho 15 nông hộ và nhà sản xuất. Những mẫu này sau đó được anh Hòa gửi đi trưng bày tại hội chợ triển lãm cà phê đặc sản thế giới ở Mỹ – sự kiện quy tụ các chuyên gia cà phê toàn cầu.

Hoạt động này nằm trong dự án Kiểm định chất lượng, tương lai bền vững vì cộng đồng do Stone Village xây dựng. “Khi làm điều này, tôi chỉ nghĩ đây là cơ hội tốt để giới thiệu cho thế giới biết về giá trị của cà phê đặc sản Việt Nam” – anh Hòa nhớ lại.

Tháng 3-2023, cuốn sách “Đồng hành cùng nghệ nhân rang cà phê” của tác giả Scott Rao do Hòa Việt hóa chính thức ra mắt. Trước đó, anh mất gần 2 năm thuyết phục vị chuyên gia nổi tiếng này trao bản quyền xuất bản cuốn sách quý của thợ rang xay trên toàn thế giới. Năm 2023, Hòa sẽ tiếp tục cho ra mắt 30 đầu sách, nhằm xây dựng Tủ sách cà phê Việt Nam – dự án được anh ấp ủ nhiều năm.

“Lần đầu tôi liên hệ, tác giả Scott Rao còn chưa có ý niệm gì về cà phê Việt Nam. Hy vọng thông qua những gì mình làm, các chuyên gia cà phê hàng đầu thế giới và nhà thu mua quốc tế sẽ tới Việt Nam tìm hiểu và đưa đến cơ hội rộng mở cho cà phê đặc sản Việt” – anh Hòa bộc bạch.

Cà phê đặc sản là thuật ngữ chỉ sản phẩm cà phê sản xuất tại những vùng có khí hậu đặc biệt, được chăm sóc, thu hoạch và chế biến theo quy trình riêng. Sản phẩm phải đạt từ 80 điểm trở lên, xét theo tiêu chuẩn khắt khe của SCA và CQI.

>> Khơi dậy giá trị đặc biệt của cà phê Robusta

Advertisement

About admin

Check Also

Giá cà phê ngày 08/5: Dự báo lượng mưa Brazil bị hạn chế, giá Arabica tăng

Cà phê arabica tháng 7 giao dịch hôm thứ Ba đóng cửa tăng 1,45 cent/pound …