Diện tích sầu riêng ở Đắk Nông đã vượt quy hoạch 1.000 ha. Thế nhưng, người dân vẫn đang tiếp tục mở rộng sản xuất loại cây trồng này. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức cho sản xuất sầu riêng, nhất là rủi ro về chất lượng, đầu ra sản phẩm.
Bài 1: Chạy theo lợi ích trước mắt
Sầu riêng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân so với các loại cây trồng khác tại địa phương. Đây là lý do mà nhiều nông dân ở Đắk Nông đã, đang chuyển sang đầu tư trồng loại cây này.
Chuyển đổi sang trồng sầu riêng
Năm 2016, anh Nguyễn Bá Tòng, ở xã Kiến Thành (Đắk R’lấp – Đắk Nông) bắt đầu biết đến cây sầu riêng. Sau khi bỏ nhiều công sức tìm hiểu, anh Tòng tìm các vườn ươm cây giống uy tín để mua giống sầu riêng Thái về trồng.
Sau khi trồng thử nghiệm một số cây trong vườn, thấy sầu riêng phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, nên tôi quyết định mở rộng quy mô.
Anh Nguyễn Bá Tòng, ở xã Kiến Thành, Đắk R’lấp, Đắk Nông
Cách trồng sầu riêng của anh Tòng là xen sầu riêng trong rẫy cà phê. Khi sầu riêng được 3 năm, anh chặt cà phê cho sầu riêng phát triển.
Đến nay, anh Tòng đã có 300 cây sầu riêng Thái đã cho thu hoạch chính nhiều năm. Vụ sầu riêng năm 2022, anh Tòng thu được 50 tấn quả, bán với giá 45.000 đồng/kg, thu về hơn 2 tỷ đồng.
Theo anh Tòng, sầu riêng là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Tuy nhiên, đây là loại cây trồng khó tính, đòi hỏi người trồng phải có kiến thức, nắm vững kỹ thuật canh tác mới có thể mang lại hiệu quả kinh tế.
Sầu riêng khó chăm sóc nhất là giai đoạn làm bông, giữ quả non. Trồng sầu riêng luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, vì cây rất nhạy cảm với thời tiết.
Ngoài việc nắm chắc kỹ thuật canh tác, anh Tòng còn xây dựng vườn sầu riêng đạt chuẩn quy trình VietGAP, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Về chi phí đầu tư, anh Tòng cho biết, anh mất khoảng 500.000 đồng/cây/năm.
Tương tự, vườn sầu riêng của gia đình ông Đoàn Văn Trường, ở xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) đang trong giai đoạn làm bông. Vì thế, ông dành nhiều thời gian ngoài rẫy để kịp thời xử lý hoa với mong muốn có được vụ sầu riêng hiệu quả nhất.
Ông Trường vốn là nông dân gắn bó lâu năm với cây điều, khi thấy cây điều không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông đã chuyển đổi dần sang trồng sầu riêng.
Cách chuyển đổi của ông là trồng sầu riêng xen trong vườn điều. Sầu riêng phát triển tới đâu, ông tỉa cành điều tới đó. Đến năm thứ 3, ông chặt bỏ điều để tập trung chăm sóc sầu riêng. Cách làm này giúp ông hạn chế rủi ro, duy trì được nguồn thu trong những năm sầu riêng còn nhỏ.
Năm 2022, vườn sầu riêng hơn 100 cây giống Dona, Ri6 của ông Trường thu hoạch được 15 tấn. Ông Trường kết nối được với đầu mối bán sầu riêng ở TP. Hồ Chí Minh, với giá 85.000 đồng/kg. Nhờ đó, vườn sầu riêng của ông thu được hơn 1 tỷ đồng.
Tôi áp dụng sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ để tạo sự khác biệt về chất lượng với sầu riêng trên thị trường. Nhờ đó, sầu riêng bán được giá và cây trồng phát triển bền vững.
Ông Đoàn Văn Trường, ở xã Đắk Ru, Đắk R’lấp, Đắk Nông
Những năm gần đây, giá sầu riêng khá cao, hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này ổn định hơn so với một số cây khác. Nông dân vì thế dần chuyển đổi sang trồng sầu riêng chuyên canh hoặc xen canh trong các vườn cây công nghiệp để nâng cao thu nhập.
Kêu gọi liên kết, phát triển bền vững
Tỉnh Đắk Nông hiện có 6.139 ha sầu riêng, trong đó, 2.039 ha cho thu hoạch, sản lượng đạt 22.281 tấn. Trên địa bàn tỉnh đã có 8 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, với 155 ha, sản lượng trên 1.500 tấn/năm.
Theo Chi Cục phát triển nông nghiệp tỉnh, song song với phát triển vùng nguyên liệu, ngành nông nghiệp đang tiếp tục hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc sầu riêng.
Ngành Nông nghiệp hướng tới sản xuất sầu riêng có chứng nhận, hỗ trợ phát triển HTX; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân để có đầu ra ổn định, phát triển bền vững.
Tỉnh Đắk Nông định hướng đến năm 2025 phát triển khoảng 5.000 ha sầu riêng chất lương cao và đến năm 2030 khoảng 7.000 ha, tập trung tại xã Đức Mạnh, Đức Minh (Đắk Mil), xã Đắk Nia (Gia Nghĩa).
Sau khi có vùng nguyên liệu ổn định, đơn vị tiếp tục triển khai, hướng dẫn nông dân sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Nguyễn Viết Vui, Chi Cục trưởng Chi cục PTNN Đắk Nông
Chi Cục phát triển nông nghiệp tỉnh sẽ hướng dẫn các bước thiết lập vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cấp mã số vùng trồng.
Đồng thời, đơn vị hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, nhãn mác hàng hóa; sơ chế, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị đối với ngành hàng sầu riêng.
Hiện nay, đơn vị đã nhận 75 hồ sơ vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng, chủ yếu tại huyện Đắk R’lấp và Đắk Song. Đơn vị đang hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở để sớm được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Huyện Đắk Mil hiện có gần 1.500 ha sầu riêng. Sầu riêng Đắk Mil đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Đắk Mil”, đối với sản phẩm sầu riêng tươi.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Phòng NN-PTNT huyện Đắk Mil và các ngành chức năng của huyện đang làm cầu nối để người dân liên kết với doanh nghiệp thực hiện theo quy trình sản xuất và kết nối tiêu thụ sầu riêng. Cùng với đó, huyện tổ chức sản xuất, kết nối để khai thác hiệu quả nhãn hiệu tập thể đã được cấp.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông