Giá phân bón tiếp tục giảm do nhu cầu trầm lắng

Giá các loại phân bón chủ chốt như đạm Ure, DAP, Kali, SA, NPK, lân… tại thị trường Việt Nam đang tiếp tục giảm theo đà giảm của thế giới cũng như do nguồn cung nội địa lớn nhưng nhu cầu vẫn ở mức thấp.

Giá các loại phân bón đều giảm

Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Argus, giá phân bón DAP, phân MAP trên thị trường thế giới hiện đang giảm. Giá DAP Ấn Độ hiện đang giảm 5 USD/tấn và đứng ở mức 590 USD/tấn (giá CFR – giá tại cửa khẩu của bên xuất cộng chi phí vận chuyển); giá DAP Trung Quốc ổn định ở mức 575 – 590 USD/tấn (giá Fob – giá tại cửa khẩu của bên xuất).

Trong khi đó, giá phân MAP Nam Phi xuất xưởng đang ở mức 667 USD/tấn; giá phân MAP Brazil giảm 5 USD/tấn và ở mức 615 – 630 USD/tấn (giá CFR) do giá thầu và chỉ định thấp hơn.

Với phân đạm ure, giá phân bón này ở thời điểm hiện tại đang giữ ở mức ổn định sau nhiều tuần giảm vì nhu cầu thấp. Hiện giá ure Trung Quốc ở mức 350 – 357 USD/tấn (giá Fob), giá ure Mỹ (tại cảng Nola) ở mức 320 USD/tấn (giá Fob). Đây là mức giá ure thấp kỷ lục nếu so với mức kỷ lục 700 USD/tấn Fob cho hàng giao tháng 12/2021.

binh dien long anbinh dien long an
Dây chuyền sản xuất của Công ty phân bón Bình Điền (Long An). Ảnh minh họa: Bùi Giang/TTXVN

Hiện nguồn cung ure suy yếu tại Trung Đông và Iran. Trên thị trường, giá giảm vẫn là xu thế chính tại khu vực Đông Nam Á, châu Phi và châu Âu. Theo dự báo của nhiều nhà cung cấp phân bón, trong thời gian tới, việc điều chỉnh giá thấp hơn nữa sẽ khó tránh khỏi trong bối cảnh dư cung và nhu cầu suy yếu trong mùa xuân đối với hầu hết khu vực bán cầu bắc.

Ở thị trường Việt Nam, khảo sát thực tế tại thị trường phía Nam cho thấy, chiều 21/3 nhà sản xuất đạm Cà Mau đã thông báo giá giá ure đạm trắng tại nhà máy/kho trung chuyển các khu vực đã giảm 400 đồng/kg so với ngày 8/3 và xuống mức 9.600 đồng/kg. Tuy nhiên, tại khu vực như Tây Nam Bộ, khách hàng phải mua kết hợp với sản phẩm NPK theo tỷ lệ 2 ure trắng 1 NPK.

Một số nhà phân phối và đại lý đã chào bán ure Cà Mau tại kho trung chuyển Tây Nam Bộ xuống gần mức giá lệnh 9.600 – 9.700 đồng/kg không phải mua cùng hàng NPK nhưng giao hàng sau; trong khi có một số thương nhân vẫn giữ giá ở mức 9.900 – 10.000 đồng/kg (không mua cùng NPK) giao hàng ngay. Các đại lý cấp 1 tại Tây Nam Bộ chào bán ra ure Cà Mau với giá bán ra ở mức 9.900 – 10.200 đồng/kg. Tại Sài Gòn và Bình Dương, chào giá ure Cà Mau đã giảm xuống mức 9.500 – 9.600 đồng/kg.

Đối với Đạm Phú Mỹ, các thương nhân và đại lý chào giá ure giảm nhẹ từ 50 – 150 đồng/kg. Tại TP Hồ Chí Minh, Long An, chào giá ure Phú Mỹ hiện ở mức 9.100 – 9.300 đồng/kg. Tại kho trung chuyển Tây Nam Bộ, chào giá ure Phú Mỹ hiện ở mức 9.300 – 9.400 đồng/kg. Các đại lý cấp 1 tại Tây Nam Bộ chào bán ra ure Phú Mỹ ở mức 9.400 – 9.700 đồng/kg.

Đối với hàng nhập khẩu, tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số nhà nhập khẩu chào bán ure Brunei hạt đục với mức giảm so với các tuần trước đó và dao động ở mức 9.300 – 9.400 đồng/kg; ure Indonesia hạt đục ở mức 9.400 đồng/kg.

Ở thị trường phía Bắc, giá ure Ninh Bình hàng thương mại tại nhà máy dao động trong khoảng 8.700 – 9.200 đồng/kg. Chào giá ure Ninh Bình hàng nguyên liệu tại nhà máy ở mức 8.600 – 8.650 đồng/kg; giao về kho đại lý tại Bắc Giang ở mức 8.800 đồng/kg. Đối với ure Hà Bắc, các nhà phân phối chào giá ure Hà Bắc sang tay tại nhà máy ở mức 9.100 – 9.250 đồng/kg.

Advertisement

Giá phân bón vẫn ở mức thấp khi nhu cầu trầm lắng

Mặc dù Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu sạ lúa Hè Thu nhưng diện tích chưa gia tăng đáng kể nên nhu cầu phân bón, nhất là phân đạm ure cho sản xuất vẫn thấp. Trong khi đó, theo tính toán của các doanh nghiệp sản xuất phân bón, tổng nguồn cung ure trong tháng 3 có thể sẽ đạt 624 – 649 nghìn tấn, tăng 43 nghìn tấn so với tháng 2 và là mức cao nhất từ tháng 6/2020 đến nay. Dự kiến, tình trạng cung lớn hơn cầu vẫn tiếp diễn nên các nhà sản xuất, thương nhân và đại lý sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực về chào giá trong bối cảnh giá ure thế giới vẫn giữ xu hướng đi xuống.

Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, giá phân bón đang giảm nhanh khi chi phí khí đốt tự nhiên, nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón và nhu cầu của nông dân cùng giảm. Đặc biệt, sau khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại và không còn hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón, nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới không còn tình trạng khan hiếm cục bộ. Nếu như đầu năm 2022 giá phân bón tăng theo tỷ lệ thuận của giá dầu khí thế giới thì từ quý IV/2022 giá dầu khí tuy không tăng nhưng giá các loại phân bón lại liên tục giảm mạnh, nhất là đạm ure.

Để giảm tình trạng tồn kho phân bón tại thời điểm nhu cầu phân bón trong nước thấp như hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất đang đẩy mạnh xuất khẩu phân bón.

Ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng Giám đốc CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết, để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, cùng với việc đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường trong nước, doanh nghiệp đang tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu sang một số nước trong khu vực như Lào, Thái Lan, Mianma. Ngay trong tháng đầu năm 2023, Supe Lâm Thao đã có đơn hàng xuất khẩu 300 nghìn tấn supe sang Mianma và 100 nghìn tấn sang Nhật Bản.

Tương tự như vậy, đại diện Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, mã chứng khoán DPM) cũng cho biết, PVFCCo vừa xuất khẩu 19 nghìn tấn ure Phú Mỹ sang Indonesia. Trong những năm gần đây, PVFCCo chú trọng phát triển thị trường xuất khẩu với số lượng hàng năm tăng cao. Sản phẩm phân bón của PVFCCo đã được ghi nhận trên bản đồ kinh doanh phân bón quốc tế với các thị trường lớn, khó tính như Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Phillipines… Riêng năm 2022 vừa qua, sản lượng phân đạm ure xuất khẩu của PVFCCo ước đạt trên 190 nghìn tấn, cao nhất từ trước tới nay.

Xem thêm: Giá phân bón giảm thấp nhất trong vòng 2 năm

Advertisement

About admin

Check Also

Giá cà phê ngày 08/5: Dự báo lượng mưa Brazil bị hạn chế, giá Arabica tăng

Cà phê arabica tháng 7 giao dịch hôm thứ Ba đóng cửa tăng 1,45 cent/pound …